Chưa có căn cước công dân gắn chip, làm sao đăng ký sinh trắc học để chuyển khoản?

Trước việc người dùng khó khăn khi đăng ký sinh trắc học, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức ngân hàng, tài chính để hỗ trợ khách hàng.

Với giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, người dân phải xác thực khuôn mặt để phòng chống lừa đảo

Với giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày, người dân phải xác thực khuôn mặt để phòng chống lừa đảo

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng chưa có căn cước công dân (CCCD) gắn chip (khách hàng chỉ có chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chip còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật) thì việc xác thực sinh trắc học sẽ được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp.

Đối với khách hàng có CCCD gắn chip nhưng điện thoại thông minh không hỗ trợ công nghệ NFC (để đọc dữ liệu trong con chip trên CCCD), việc xác thực sinh trắc học sẽ được thực hiện theo 2 cách:

Cách thứ nhất là khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chíp của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chíp của đơn vị.

Cách thứ hai, khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Đối với giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử thông qua tài khoản thanh toán/thẻ ghi nợ liên kết chính chủ, nếu khách hàng đã thực hiện xác thực chính chủ với ngân hàng (trừ biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học gắn liền với thiết bị cầm tay thông minh) thì không bắt buộc áp dụng biện pháp xác thực đối với các giao dịch nạp, rút tiền từ ví điện tử có hạn mức dưới 10 triệu đồng/lần và tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống.

Trường hợp giao dịch giá trị lớn hơn, phải thực hiện các lớp bảo mật tiếp theo đúng như quy định.

Do thời hạn áp dụng quy định mới về sinh trắc học đã tới gần, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tổ chức truyền thông, hướng dẫn thực hiện đến toàn bộ khách hàng về việc triển khai các biện pháp xác thực giao dịch tương ứng với hạn mức giao dịch theo quy định.

Chuẩn bị sẵn phương án, kênh hotline và bố trí cán bộ trực 24/7 để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học.

Chủ động phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và các tổ chức khác có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học từ ngày 1/7.

Triển khai các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin.

Để phòng tránh ách tắc giao dịch và hỗ trợ khách hàng kịp thời, khuyến khích các đơn vị đã hoàn thành triển khai, sớm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày sẽ phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chua-co-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-lam-sao-dang-ky-sinh-trac-hoc-de-chuyen-khoan-post175991.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat