Chưa có bằng chứng khoa học về lọc máu ngăn ngừa đột quỵ
Bạn đọc Khánh Lâm, 50 tuổi, quận 3, TPHCM: Tôi muốn hiểu thêm về phương pháp lọc mỡ máu. Phương pháp này có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ không? Nhược điểm của phương pháp này là gì? Cám ơn bác sĩ.
Bạn đọc Khánh Lâm, 50 tuổi, Quận 3, TPHCM: Tôi muốn hiểu thêm về phương pháp lọc mỡ máu. Phương pháp này có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ không? Nhược điểm của phương pháp này là gì? Cám ơn bác sĩ.
BS-CKI Hồ Thanh Lịch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Lọc mỡ máu là gì?
Lọc máu là kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng máy móc để lọc các chất thải và chất độc ra khỏi máu, bao gồm cả cholesterol và triglyceride dư thừa trong máu. Theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy, tức là được chỉ định ở các trường hợp bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh và được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt.
Lọc mỡ máu có ngăn ngừa đột quỵ không?
Thông tin về việc lọc mỡ máu để phòng ngừa đột quỵ là không chính xác. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy lọc máu có thể ngăn ngừa đột quỵ một cách hiệu quả. Đột quỵ thường xảy ra do các mảng xơ vữa trong động mạch bị vỡ, gây tắc nghẽn mạch máu lên não. Việc lọc máu chỉ loại bỏ một phần mỡ trong máu, không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ gây ra xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông. Bên cạnh đó, mỡ máu cao không phải là yếu tố duy nhất gây đột quỵ. Đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực.
Nhược điểm của lọc mỡ máu:
Nguy cơ biến chứng: Lọc máu là một thủ thuật xâm lấn, có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, huyết áp thấp, rối loạn điện giải...
Chi phí cao: Chi phí cho một lần lọc máu khá cao và người bệnh thường phải lọc máu định kỳ, gây gánh nặng kinh tế.
Chỉ giải quyết nhất thời: Lọc máu hoàn toàn không có giá trị lâu dài trên những người bệnh có rối loạn mỡ máu.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta cần kết hợp nhiều biện pháp như:
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, tránh thịt đỏ, đồ ngọt, tăng cường rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc...
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp giảm cholesterol, kiểm soát huyết áp, giảm cân.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác: Huyết áp cao, tiểu đường, hút thuốc lá...
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Nếu có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tăng cholesterol…
Lọc máu không phải là phương pháp để ngăn ngừa đột quỵ. Để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta cần có một lối sống lành mạnh, kết hợp với việc điều trị các bệnh lý nền nếu có. Nên khám tổng quát và làm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ mỡ máu và các yếu tố nguy cơ khác có liên quan đến đột quỵ.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.