Chú trọng phát triển chuyên môn và giáo dục gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Đảm bảo 100% thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc gắn với phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc được cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Vừa chú trọng kiến thức vừa giữ gìn văn hóa dân tộc
Năm học 2022 - 2023, trường THPT DTNT tỉnh có 600 học sinh; cơ cấu 20 lớp học. Học sinh chủ yếu là con em người dân tộc Tày, Nùng, Sán chỉ, Mường, Dao... trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm 88,9%, thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Nhà trường có 69 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trình độ chuyên môn giáo viên đạt chuẩn 100%; trên chuẩn 16 (30,2 %). Tỷ lệ đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 60.4%.
Cô Vương Xuân Thuận cho biết, trong những năm qua, tập thể nhà trường luôn kịp thời đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh quản trị nhà trường, phát huy dân chủ trường học, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên…, đáp ứng những yêu cầu đặt ra thực hiện đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018.
Quá trình giảng dạy và giáo dục, giáo viên nhà trường luôn tích cực học hỏi, giao lưu, trao đổi dạy học với trường bạn trong và ngoài tỉnh thông qua dự giờ, sinh hoạt chuyên môn kết nối, dạy học bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi…
Bên cạnh công tác truyền thụ kiến thức, trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kĩ năng sống, nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hướng nghiệp, khởi nghiệp.
Nhà trường còn tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ, thể thao cho học sinh nhằm giúp các em phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân.
Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù để tuyên truyền, phát thanh bằng tiếng dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, thi tìm hiểu truyền thống, tái hiện các đám cưới, tục lệ của các dân tộc để các em nhận thức được tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc…
Đảm bảo 100% việc thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc gắn với việc phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc, đảm bảo chế độ chính sách cho CB, GV, NV, HS dân tộc thiểu số.
Thực hiện tốt công tác giáo dục kĩ năng sống, trong đó giáo dục học sinh nâng cao nhận thức, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ; giáo dục kĩ năng hoạt động xã hội với các nội dung phù hợp tâm lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh
Tích cực tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới học sinh về việc gìn giữ và phát huy bản sắc, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động ngoại khóa, các đề tài nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp
Nhiều năm liền đứng trong top đầu của tỉnh
Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường luôn đứng tốp đầu các trường THPT trong tỉnh. Hằng năm, kết quả thi tốt nghiệp đạt 100%; học sinh đỗ đại học, cao đẳng từ trên 70% đến trên 80%.
Riêng năm 2022, tỷ lệ học sinh dự thi đỗ đại học đạt 73,3%, cao nhất tỉnh; thi học sinh giỏi cấp tỉnh luôn đạt trên 100 giải, tốp đầu khối THPT năm gần đây học sinh nhà trường đạt giải cao các cuộc thi: Hội thao Quốc phòng an ninh cấp tỉnh đạt Nhất toàn đoàn, thi Vovinam cấp tỉnh đạt 7 huy chương vàng và tổng huy chương cao nhất khối.
Câu lạc bộ Vovinam của trường với các em học sinh đội trống hội, lân rồng cùng CLB Vovinam thành phố tham gia tích cực các hoạt động khai mạc lớn của tỉnh, thành phố, các lễ hội địa phương; nhà trường triển khai dạy Võ vovinam và môn bơi cho học sinh dưới hình thức câu lạc bộ.
“Đặc biệt, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn là ngôi trường THPT đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2009. Trong 10 năm, từ 2003 đến 2013 trường vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác như Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT”, cô Vương Xuân Thuận nói.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đã luôn thực hiện tốt sứ mệnh, vai trò của nhà trường là giáo dục, nuôi dưỡng, rèn đức, luyện tài, phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho con em các dân tộc thiểu số, trở thành một trong những “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực, nhằm mục đích bổ sung nguồn cán bộ cơ sở tại chỗ cho địa phương.
Qua từng thời kỳ, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết và đổi mới, là những tấm gương sáng trong tự học và sáng tạo. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự kỳ vọng của tỉnh, của Ngành, của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, cũng như các thế hệ đi trước.
Ngày mới thành lập, Trường có 78 người gồm giáo viên dạy văn hóa và cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với hơn 200 học sinh của cả ba cấp trong đó cấp III chỉ có một lớp 8. Thời điểm đó, trường gặp rất nhiều khó khăn, thầy trò vừa dạy, vừa học vừa xây dựng trường lớp và tham gia lao động sản xuất, trồng cấy lúa ngô, chăn nuôi, thả cá và dần ổn định nền nếp.