Chú trọng đưa tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống đương đại vào SGK

Theo Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng, dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với giáo viên.

Năm học mới đang cận kệ và sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã sẵn sàng đến với giáo viên và học sinh trên cả nước. Đây là năm đầu tiên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 được đưa vào giảng dạy đại trà nên công tác bồi dưỡng giáo viên, tập huấn sử dụng sách giáo khoa về những điểm mới của chương trình và sách giáo khoa luôn được quan tâm.

Đánh giá về vai trò của công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trong việc triển khai sử dụng sách giáo khoa mới nói chung và sách giáo khoa lớp 11 trong năm học này nói riêng, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 11 – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, công việc tập huấn giúp cho các thầy cô nắm được cấu trúc sách và cấu trúc bài học, đặc biệt là biết cách để sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vừa thể hiện được các ý tưởng đổi mới của nhóm tác giả. Nhờ có hình thức tập huấn trực tuyến, tất cả các giáo viên đều có cơ hội để tham gia các lớp tập huấn do các Tổng chủ biên, Chủ biên, các tác giả đảm nhiệm.

"Trong các nội dung tập huấn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những ý kiến, phản hồi của các thầy cô đã sử dụng sách trong những năm học trước. Chính chất lượng của các phản hồi, trao đổi giữa giáo viên và các tác giả sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai sách giáo khoa mới”, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng nói.

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trong một buổi tập huấn giáo viên môn Ngữ văn lớp 11

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trong một buổi tập huấn giáo viên môn Ngữ văn lớp 11

Cũng theo Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 11 – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống: “Kiểm tra, đánh giá bao giờ cũng là một nội dung chúng tôi rất quan tâm khi tập huấn. Tuy lớp 11 chưa phải là lớp cuối cấp nhưng đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho các kì thi cuối cấp nên các thầy cô sử dụng sách giáo khoa lớp 11 rất quan tâm đến công tác này.

Ở góc độ tác giả, chúng tôi chỉ có thể tập huấn việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng chung của chương trình và quan điểm của nhóm tác giả. Còn ở kì thi quốc gia, đề thi như thế nào thì phụ thuộc vào phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi hi vọng cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sắp tới sẽ có sự nhất quán với tinh thần đổi mới về kiểm tra, đánh giá mà chúng tôi đã tập huấn cho các thầy cô trong những năm qua”.

Trong môn Ngữ văn, có nhiều tác phẩm mới được đưa vào sách giáo khoa không hẳn phải là tác phẩm kinh điển hoặc đạt giải lớn tầm thế giới. Nêu quan điểm khi nhóm tác giả lựa chọn những tác phẩm như vậy để đưa vào sách, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho rằng, đúng là có khá nhiều tác phẩm văn học mới được đưa vào bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống.

Cụ thể, với văn học Việt Nam, có tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư,…. Trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 và Ngữ văn 12 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) đang gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, nhóm tác giả có đưa tác phẩm của các tác giả Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Điều này thể hiện, nhóm tác giả rất chú trọng đưa những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đương đại, đặt ra những vấn đề cấp bách và nóng hổi xung quanh học sinh.

Đối với văn học nước ngoài, nhóm tác giả đưa một số tác phẩm đặc sắc cũng theo hướng đó, ví dụ như Hoàng tử bé của Antoine De Saint-Expéry, một tác phẩm kinh điển của Pháp và thế giới, nhưng đối với Việt Nam thì rất mới. Hay như tác phẩm Mắt sói củaDaniel Pennac, cũng là một tác phẩm đặt ra những vấn đề cấp thiết của con người. Đối với văn học Mỹ thì có đưa tác phẩm Con đường không chọn của Robert Frost - một trong những nhà thơ lớn nhất của Hoa Kỳ trong thế kỉ 20. Với văn bản nghị luận, nhóm tác giả đưa bài Tôi có một ước mơ của Martin Luther King. Đó là những tác phẩm giúp học sinh có một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.

"Tuy nhiên, cần phải nói rõ, những tác phẩm mới mà học sinh chưa bao giờ được học của thế giới hay của những nhà văn Việt Nam đương đại thì chúng tôi cũng đưa một cách có kiểm soát, chú trọng đến chất lượng, quan tâm đến những tác phẩm thực sự đặc sắc, nhằm bảo đảm cân bằng giữa các tác phẩm kinh điển, truyền thống với những tác phẩm mới đương đại”.

Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, theo Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng, trước hết, việc lựa chọn ngữ liệu phải đáp ứng các yêu cầu rất nghiêm ngặt của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có yêu cầu đưa đủ sáu tác phẩm bắt buộc: Sông núi nước Nam, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập. Tất cả các bộ sách sẽ đều phải đưa đủ 6 tác phẩm này.

Đồng thời, các bộ sách giáo khoa cũng phải đưa các tác phẩm theo quy định của chương trình là bắt buộc lựa chọn. Đó là những mảng văn học như truyện cổ dân gian, ca dao, truyện thơ dân gian, chèo hoặc tuồng; các nhà văn thuộc văn học viết, cụ thể, phải có Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Vũ. Hay phải đưa ít nhất một tác phẩm của mỗi nền văn học lớn như: Anh, Pháp, Mỹ, Hy Lạp, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy vậy, có nhiều tác giả, mặc dù chương trình không quy định nhưng nhóm tác giả của sách Ngữ văn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống vẫn chủ trương đưa vào sách giáo khoa tương đối đầy đủ như trong văn học trung đại có Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Bà Huyện Thanh Quan,…; trong văn học hiện đại có một số nhà văn thuộc Tự lực văn đoàn và Thơ mới, có các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt, có một quy định riêng rất quan trọng liên quan đến một số tác gia: cần phải có bài học riêng về Nguyễn Trãi (lớp 10), Nguyễn Du (lớp 11), Hồ Chí Minh (lớp 12).

Học sinh tự thuyết trình về những sản phẩm do mình chuẩn bị

Học sinh tự thuyết trình về những sản phẩm do mình chuẩn bị

Theo thầy Bùi Mạnh Hùng, dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với giáo viên. Theo đó, các thầy cô được đổi mới phương pháp dạy học, có cơ hội từ bỏ cách dạy học truyền thống truyền thụ kiến thức một chiều để chuyển sang vai trò của một người tổ chức dạy học ở trong lớp, đối với môn Ngữ văn, là tổ chức cho học sinh được thực hành đọc, viết, nói và nghe.. Học sinh từ chỗ chỉ tiếp thu một cách thụ động chuyển sang chủ động khám phá các tác phẩm văn học dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các thầy cô… Bằng hình thức đổi mới dạy học như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, học theo chương trình và sách giáo khoa mới, học sinh Việt Nam sẽ có những năng lực khác, những phẩm chất khác, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Nhưng chính cơ hội đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giáo viên, nhất là những thầy cô chưa kịp thích ứng với cái mới. Chẳng hạn như đổi mới phương pháp dạy học thì cùng với đó là phải đổi mới thói quen. Bộ Giáo dục Đào tạo vừa ban hành công văn 3175 (21/07/2022), trong đó có quy định ngữ liệu được dùng trong đánh giá định kì phải sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn vì nhiều thầy cô lâu nay chỉ quen với việc đọc các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa, còn bây giờ các thầy cô phải có khả năng mở rộng vốn đọc, có thể đọc hiểu được một tác phẩm hoàn toàn mới. Khi chúng ta yêu cầu học sinh phải phát triển được kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thì chính giáo viên cũng phải có những kĩ năng đó.

Cũng đã từng tiếp xúc nhiều với thực tiễn dạy học, thầy Bùi Mạnh Hùng nhận thấy nhiếu tín hiệu tích cực trong việc dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới.

Theo đó, thầy Hùng chia sẻ:Trong thời gian qua, tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương có sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, chẳng hạn, một trường dân tộc nội trú ở Lào Cai có 100% học sinh là dân tộc Mông.

Các thầy cô cho tôi biết kĩ năng đọc, viết, nói và nghe của các em sau một năm học tiếng Việt lớp 1 đã tốt hơn rất nhiều so với học sinh lớp 1 trước đây. Một số trường ở Tây Nguyên, các hoạt động nói và nghe được tổ chức rất sáng tạo và tâm huyết.

Ví dụ ở Đắc Nông, có trường trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa cách trung tâm tỉnh một trăm kilomet nhưng các thầy cô vẫn tổ chức được những hoạt động để cho các em rèn luyện kĩ năng nói và nghe theo hình thức rất độc đáo và thú vị dựa trên nội dung tiết học nói và nghe của bài 5. Màu sắc trăm miền trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Các thầy cô cho các em chia nhóm, mỗi nhóm chuẩn bị các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa từng vùng miền, ví dụ như Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Các em sẽ tự thuyết trình về những sản phẩm do mình chuẩn bị. Những nội dung này đều được thiết kế từ sách giáo khoa nhưng việc tổ chức hoạt động học tập như thế cho thấy sự sáng tạo, sự đầu tư công sức rất lớn của các thầy cô và học sinh, qua đó, các em học sinh sẽ được phát triển rất hiệu quả kĩ năng nói và nghe, kĩ năng làm việc nhóm và có những hiểu biết sâu sắc và phong phú về văn hóa của các vùng miền trên đất nước ta”.

Minh Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chu-trong-dua-tac-pham-van-hoc-mang-hoi-tho-cuoc-song-duong-dai-vao-sgk-post237445.gd