CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CỦNG CỐ NỀN TẢNG, GIA TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Sáng 17/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố nền tảng, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế nói chung trước các cú sốc từ bên trong và bên ngoài.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP NGÀY 17/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023, XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề xuất 6 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng

Theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực ngày 31/12/2023, chỉnh sửa, hoàn thiện, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 06 chính sách.

Cụ thể là chính sách về hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân. Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Quy định về xử lý nợ xấu. Quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan nhận thấy, 06 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.

Nhiệm vụ cấp bách, không để có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định việc đưa dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào trong chương trình là rất cấp bách, nếu không trình ra Kỳ họp thứ 5 để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có khoảng trống pháp lý đối với xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh một số vướng mắc, bất cập được cho rằng một số vướng mắc, bất cập được chỉ tra trong tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và Luật Các tổ chức tín dụng chưa được bổ sung trong nhóm chính sách lần này và đề nghị đề nghị Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Chính phủ làm rõ, cùng với đó là bảo đảm tương thích với cam kết quốc tế và các điều ước quốc tế trong xử lý vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ đồng bộ với Luật Phòng chống rửa tiền và phòng chống khủng bố.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, qua rà soát sơ bộ, Luật Các tổ chức tín dụng liên quan trực tiếp tới khoảng 20 luật, trong đó, đã có một số luật đã trình ra Quốc hội để xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…Do đó cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Về các chính sách cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý đến việc luật hóa một số nội dung trong quá trình thí điểm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được thực tiễn kiểm nghiệm cần được bổ sung; đồng thời làm rõ những nội dung còn ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất, theo tinh thần những nội dung đã “chín”, đã rõ thì mới đưa vào luật, những nội dung chưa “chín”, chưa rõ, chưa tạo sự đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm đến việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Thực tế triển khai vấn đề này hiện khá chậm, cần phải làm rõ trong quá trình đưa các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém vào mua bắt buộc, đưa vào kiểm soát đặc biệt đã xử lý được những vấn đề gì và những vướng mắc gì do pháp luật hay do quá trình tổ chức thực hiện để xem xét đưa vào luật. Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan ngại về cơ chế cho vay đặc biệt mà không có tài sản bảo đảm, trách nhiệm của các bên liên quan đến tiền của xã hội, tiền của Nhân dân để không xảy ra tình trạng “bịt được lỗ hổng bé lại tạo ra một lỗ hổng lớn hơn”.

Có cùng vấn đề quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những ý tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong và bên ngoài.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra đối với lần sửa đổi này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc sửa đổi phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản, triệt để được tình trạng sở hữu chéo và sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu. “Dự thu của các khoản nợ xấu này xấu hơn cả nợ xấu” Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý. Do đó cần phải xem xét giải quyết trong lần sửa đổi này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Quan tâm đến quy định về xử lý tài sản bảo đảm trong điều kiện bình thường và điều kiện đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho biết vừa qua Nghị quyết 42/2017/QH14 trao cho ngân hàng quyền định đoạt các tài sản bảo đảm, sau đó tòa, viện, các cơ quan tố tụng xếp hạng thứ hai. Trong điều kiện bình thường có đưa việc này vào như điều kiện đặc biệt không. Tuy nhiên xử lý nợ xấu theo tình huống đặc biệt của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết giá trị lịch sử, do đó, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề trong điều kiện bình thường việc xử lý tài sản đảm bảo đưa ra xử lý ở tòa án hay quyền định đoạt của các ngân hàng cũng cần phải làm rõ.

Rà soát kĩ lưỡng các nội dung

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát các nội dung về trích lập dự phòng, xem xét trích lập dự phòng khoản nào được coi là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập, khoản nào phải trừ vào thu nhập sau thuế của doanh nghiệp, của ngân hàng; hoạt động của các tổ chức tín dụng, các dịch vụ ra giá trị gia tăng phi tín dụng hiện hầu như không đầu tư nhất là trong điều kiện kinh tế 4.0. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ tỷ trọng doanh thu của ngân hàng và các tổ chức tín dụng từ các dịch vụ giá trị gia tăng phi tín dụng là rất thấp. Việc gửi tiền, thẻ, dịch vụ tiền gửi, các dịch vụ khác hầu như là không có. Tức là các ngân hàng, tổ chức tín dụng hầu như mới "đi có 1 chân", cho nên khi hết room tín dụng là rất gay go.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng này phải song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng này, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng cùng với đó là giám sát tài chính. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đây là một kinh nghiệm để nghiên cứu về lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao mà góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống rồi gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và các ý kiến phát biểu, tán thành việc bổ sung 2 dự án luật, gồm có: Luật Căn cước công dân và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nội dung trong phiên họp tháng 4/2023.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74102