Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người của thời cuộc
Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của thời cuộc, Người luôn đi trước, đi cùng với thời cuộc.
"Hơn lúc nào hết, đối với kỷ nguyên mới của dân tộc, chúng ta thấy vận nước đã tới vì có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa"- GS.TS Mạch Quang Thắng, nguyên Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025).

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của thời cuộc. Ảnh tư liệu.
Cần niềm tin vững chắc và quyết tâm chính trị mạnh mẽ

GS.TS Mạch Quang Thắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong trong công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội – giai cấp và giải phóng con người. Người tâm niệm: Độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho đồng bào, phấn đấu vì sự tiến bộ của loài người là tất cả những điều Người cần, tất cả những gì Người muốn; là sự “hiến dâng cả cuộc đời tôi cho dân tộc tôi”.
Đầu năm 1946, Người nói “sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trong Di chúc, Người viết “điều mong muốn cuối cùng”: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Người có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam vì thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin và biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể. Người tin vào sức mạnh dân tộc, vào truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ngay trong Di chúc, Người vẫn thể hiện niềm tin đó.
Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần biến niềm tin, khát vọng ấy thành hành động cách mạng cụ thể. Mục tiêu được Đại hội XIII đề ra: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Năm 2025, phải quyết tâm đạt tăng trưởng trên 8%, tiến tới những năm sau đạt hai con số. Muốn vậy, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị (trong đó, “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”); phát triển văn hóa; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Cần đặc biệt chú trọng các giải pháp đột phá, coi điểm nghẽn về thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng. Nếu không có khát vọng, không có niềm tin, sẽ không có đổi mới sáng tạo, dẫn tới tư duy duy ý chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói thì phải làm”, “xắn tay áo làm đi”.
Quyết tâm ấy phải là sự tiếp nối quyết tâm của Người trong các giai đoạn lịch sử. Khi ốm nặng, cuối tháng 7-1945, Người vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đó là quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Đó là quyết tâm: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chỉ ắt làm nên".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất năm 1954. Ảnh tư liệu.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng và bộ máy tinh gọn
Ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, việc thực hiện đã có kết quả bước đầu nhưng còn khoảng cách so với yêu cầu.
Bàn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đề cập tới một phương thức là lãnh đạo bằng các nghị quyết. Đúng, nhưng chưa đủ. Nay, cần bổ sung một vế kèm theo: “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết” thành nội dung trọn vẹn “Đảng lãnh đạo bằng việc ra các nghị quyết và lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết”.
Sắp xếp tổ chức bộ máy tất yếu dẫn tới tinh giản đầu mối, giảm biên chế, giảm số ‘ghế’ lãnh đạo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của từng cá nhân, từng đơn vị.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo, chủ nghĩa cá nhân là “vi trùng rất độc”, có thể làm tha hóa con người. Quá trình chuyển biến nhận thức từ chưa tự giác đến tự giác, từ bị động đến chủ động là điều cần thời gian nhưng phải kiên quyết thực hiện.
Cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp tổ chức theo hướng “tinh - gọn - mạnh”, nhưng cũng phải thận trọng, hợp lý, tránh “dục tốc bất đạt”. Đã 7 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 18, không thể chần chừ thêm nữa, phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Nhiều vấn đề đã “chín”, kể cả sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cần mạnh dạn thực hiện, sau đó tổng kết để điều chỉnh.
Muốn phát triển nhanh và bền vững, phải thay đổi mô hình tổ chức bộ máy theo điều kiện cụ thể, không thể để bộ máy cồng kềnh, tỉ lệ công chức quá cao. Đích đến là một đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Muốn bảo đảm thành công cho đổi mới sáng tạo, Đảng phải đề ra chiến lược phát triển đúng, trúng và tổ chức thực hiện thắng lợi. Đại hội XIV của Đảng sắp tới sẽ là dấu mốc khởi đầu cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Muốn vậy, Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Ngay trong nội bộ cũng luôn có những lực cản như “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ, cùng sự ủng hộ của toàn dân, Đảng sẽ vượt qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của thời cuộc. Người luôn đi trước, đi cùng với thời cuộc. Hơn lúc nào hết, đối với kỷ nguyên mới của dân tộc, chúng ta thấy vận nước đã tới vì có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa; đã hiện rõ thời, thế và lực để phát triển nhanh, bền vững hơn...
Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-ho-chi-minh-con-nguoi-cua-thoi-cuoc-post850490.html