Chủ động tìm thuốc giải

Ngay sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về loạt mức thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/4, các đối tác thương mại của Washington đã nhanh chóng vào cuộc 'tìm thuốc giải' cho vấn đề nóng này.

Nhìn chung, đàm phán vẫn là ưu tiên nhưng trả đũa cũng được đưa vào lựa chọn dù các bên đều hiểu rằng đáp trả có thể khiến căng thẳng leo thang theo hướng bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, không ít quốc gia coi đây là cơ hội để tái cơ cấu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Gà tây được nuôi tại trang trại ở Kentucky, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Gà tây được nuôi tại trang trại ở Kentucky, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tính đến tác động có thể xảy ra của thuế đối ứng, rõ ràng là Trung Quốc (quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới) sẽ chịu thiệt hại đáng kể với mức thuế tích lũy ước tính từ 54 % - 70%. Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức bằng cách áp thêm mức thuế 34% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (từ ngày 10/4), cấm xuất khẩu 16 nguyên tố đất hiếm sang Mỹ và đưa 11 công ty Mỹ vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy”, điều tra chống độc quyền đối với DuPont và ngừng nhập khẩu các sản phẩm thịt gà của Mỹ.

Hành động trả đũa của Trung Quốc lần này có quy mô lớn hơn so với các hành động đáp trả trước đó. Leah Fahy, nhà kinh tế học chuyên về Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng Bắc Kinh đã tăng cấp độ phản ứng, như khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc đã đủ mạnh để chống chọi với mọi động thái của Washington.

Giám đốc cấp cao của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương Melanie Hart lưu ý Bắc Kinh đã chuẩn bị trong nhiều năm để giảm thiểu các tổn hại, thông qua giảm sự phụ thuộc vào ngoại thương, đảm bảo cả cung và cầu đều được tạo ra trong nước. Dù vậy, không thể phủ nhận đợt thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng sau 4 năm tăng trưởng yếu ớt.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc dù thất vọng vì Washington không “chừa” đồng minh nhưng cũng lựa chọn cách tiếp cận thận trọng. Nhật Bản (hiện là nước đầu tư nhiều nhất vào Mỹ) thông báo sẽ xem xét những điều tốt nhất và hiệu quả nhất, theo cách thận trọng nhưng táo bạo và nhanh chóng.

Thủ tướng Shigeru Ishiba khẳng định sẽ thúc giục Mỹ xem xét lại, không ngần ngại làm việc trực tiếp với Tổng thống Trump. Trong khi đó, Hàn Quốc đã họp nội các để chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành công nghiệp và công ty bị ảnh hưởng đồng thời tìm cách đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động.

Theo Hãng nghiên cứu Global Trade Research Institute, với mức thuế 26%, Ấn Độ có lợi thế tương đối so với các quốc gia châu Á khác bị áp mức thuế cao hơn. Do đó, thay vì trả đũa, New Delhi sẽ tập trung hoàn tất hiệp định thương mại với Washington, kỳ vọng sẽ có thỏa thuận tạm thời trong những tháng tới để giảm bớt thuế quan. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đàm phán với Mỹ về mức thuế 32% mới “đảm bảo lợi ích và các ngành công nghiệp ”.

TSMC - công ty lớn nhất Đài Loan và là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ và động thái này dường như đã giúp ngành bán dẫn được miễn khỏi đợt thuế đối ứng.

Các nước Đông Nam Á từ lâu đã tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ để đảm bảo tăng trưởng, tuy nhiên, theo Giáo sư Phar Kim Beng, chuyên gia về vấn đề Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thuộc Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), các mức thuế đối ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Malaysia, sẽ bị áp mức thuế 24%, đã loại trừ khả năng áp thuế trả đũa và sẽ xem xét một chiến lược toàn diện để giảm thiểu tác động, đồng thời duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ.

Thái Lan tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này) ngay khi có cơ hội và sẵn sàng thảo luận để điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng công bằng cho cả hai bên, cân nhắc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp để chế biến và tái xuất khẩu. Campuchia, bị áp thuế cao 49%, đã thông báo lập tức giảm thuế đối với 19 loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị đàm phán với Mỹ.

Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực. Tổng Bí thư Tô Lâm tối 4/4 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ hai nước; Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về hợp tác kinh tế, thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ; Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao yêu cầu Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian thảo luận và tìm ra giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Trên bình diện khu vực, Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã triệu tập cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng kinh tế ASEAN vào ngày 10/4 để thảo luận về phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực. Hầu hết các nước Đông Nam Á hiện đang theo đuổi nhiều mối quan hệ thương mại đa dạng với các đối tác khác ngoài Mỹ, như Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Parker Novak, chuyên gia Sáng kiến An ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, thuế mới của Mỹ sẽ củng cố khuynh hướng đa dạng hóa hơn nữa quan hệ thương mại của khu vực.

Với EU, việc Mỹ dựng lên “bức tường” thuế quan cao nhất kể từ năm 1933 gây ra cú sốc kinh tế và cú sốc chính trị. Về mặt kinh tế, ước tính sơ bộ mức thuế 20% sẽ xóa sổ tới 0,3% tổng sản phẩm tăng trưởng của khối trong những năm qua. Về mặt chính trị, thuế đối ứng càng khiến mối quan hệ đồng minh lâu đời thêm suy yếu và có nguy cơ gây gián đoạn nghiêm trọng, thậm chí là tàn phá trật tự thương mại đa phương dựa trên luật lệ mà EU đề cao.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố EU muốn tìm giải pháp thông qua đàm phán nhưng cũng sẵn sàng cho tình huống đàm phán thất bại. Jörn Fleck, Giám đốc cấp cao của Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, dự báo Brussels sẽ phản ứng theo 2 giai đoạn: Đầu tiên là từ giữa tháng này sẽ áp thuế đối với thép và nhôm đã bị hoãn trước đó và áp dụng mức thuế trả đũa đối với các mặt hàng xuất khẩu có tầm quan trọng với Mỹ như rượu bourbon, quần jean, xe máy Harley-Davidson.

Thứ hai, nhiều khả năng là vào cuối tháng, EC sẽ phản ứng bằng một gói biện pháp khác có thể nhắm vào các dịch vụ kỹ thuật số và tài chính, một lĩnh vực mà Mỹ có thặng dư thương. Đồng thời, EU sẽ đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và đầu tư trên toàn thế giới, tăng cường hội nhập và đầu tư vào thị trường chung EU.

Mức thuế 10% cho hầu hết các nước Mỹ Latinh và Caribe có thể là cơ hội để các nước gần gũi Mỹ gia tăng sản xuất thay thế. Bà Valentina Sader, Phó Giám đốc Trung tâm Adrienne Arsht Mỹ Latinh, cho rằng ở khía cạnh nào đó, thuế đối ứng của Mỹ có thể tạo ra động lực còn thiếu để thúc đẩy phê chuẩn thỏa thuận EU-Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Một trung tâm phân phối xe ô tô BMW tại Thủ đô Mexico City, Mexico. BMW là một trong số ít nhà sản xuất ô tô tại Mexico chưa thông báo các biện pháp cắt giảm sản xuất. Ảnh: Phi Hùng/PV TTXVN tại Mexico

Một trung tâm phân phối xe ô tô BMW tại Thủ đô Mexico City, Mexico. BMW là một trong số ít nhà sản xuất ô tô tại Mexico chưa thông báo các biện pháp cắt giảm sản xuất. Ảnh: Phi Hùng/PV TTXVN tại Mexico

Tổng thống Colombia Gustavo Patro đánh giá với mức thuế 10%, xét về tính cạnh tranh thì khu vực này không tổn hại, thậm chí có thể hưởng lợi khi nhiều đối tác cạnh tranh ở các khu vực khác bị áp thuế cao hơn. Trong khi đó, Brazil là một trong số ít quốc gia có phản ứng đáp trả với việc Quốc hội nước này thông qua “luật đối ứng” trao cho chính phủ quyền phản ứng trước các rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu, đồng thời cân nhắc kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Có thể nói thuế đối ứng của Mỹ đã tạo ra những thách thức đáng kể đối với các nền kinh tế, song một mặt nào đó cũng đem tới những cơ hội để tái cơ cấu hoạt động thương mại. Một cách tiếp cận chủ động, thận trọng, nhưng nhanh chóng và linh hoạt, là thực sự cần thiết để đi tới một giải pháp đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.

Lê Ánh

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chu-dong-tim-thuoc-giai-20250406104622649.htm