Chủ động giúp dân ứng phó với bão lũ

Tàu Hải đội 2 sẵn sàng cơ động. Ảnh: XUÂN HIẾU

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và bão số 5, BĐBP tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện và chuẩn bị nhu yếu phẩm, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, chủ động giúp dân phòng tránh hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trước khi bão số 5 tiến vào đất liền, có 345 tàu cá của ngư dân Phú Yên với hơn 1.900 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó 232 tàu cá/1.436 lao động hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; 113 tàu cá/506 lao động hoạt động gần bờ (từ Bình Định - Ninh Thuận). Tất cả thuyền trưởng, chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến ATNĐ và bão số 5 trên biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc với gia đình và BĐBP.

Phòng tránh là chính

Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, ngày 28/10, Bộ Chỉ huy đã có công điện gửi các đồn Biên phòng và Hải đội 2, nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách phòng tránh vùng áp thấp đang mạnh lên thành ATNĐ và bão số 5, sát cánh cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chủ động ứng phó với bão lũ, triều cường, ngập úng có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trên địa bàn đơn vị đóng quân.

TP Tuy Hòa có 635 tàu cá với hơn 3.500 lao động thường xuyên hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có 204 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ngay sau khi tiếp nhận công điện của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã nhanh chóng, tập trung triển khai một số nội dung cấp bách. Thiếu tá Phạm Minh Quyền, Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết: Chỉ huy đồn đã trực tiếp chỉ đạo Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng thông qua hệ thống bộ đàm thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp, ATNĐ, bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của vùng áp thấp, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Đối với các tàu thuyền đã vào bờ, đơn vị hướng dẫn cho ngư dân neo đậu ở nơi an toàn nhất và không để ai ở lại trên tàu khi bão đến.

“Đối với các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1, đơn vị tổ chức trực canh thông tin 24/24 giờ, liên tục liên lạc, hướng dẫn các tàu cá của ngư dân về các âu tàu ở các đảo để trú tránh bão. Đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Chỉ huy chủ động liên lạc với Đội Dịch vụ hậu cần nghề cá và các đảo có âu tàu để cung cấp nước ngọt miễn phí, giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục một số hư hỏng trên tàu (nếu có); đưa ngư dân lên các làng chài trên đảo để trú bão; chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc cho ngư dân khi có tình huống xảy ra”, thiếu tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết thêm.

Cũng như Đồn Biên phòng Tuy Hòa, triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, sau đó là bão số 5 được cán bộ chiến sĩ Hải đội 2 đặt lên hàng đầu. Tại khu vực cầu cảng của hải đội gần cảng cá phường 6, tất cả các phương tiện thủy của đơn vị đều sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Đại úy Nguyễn Văn Nam, Hải đội phó Hải đội 2 cho biết đơn vị đã tiến hành khảo sát các khu neo đậu và phối hợp với Đồn Biên phòng Tuy Hòa hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào bờ tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Đơn vị cũng đã chủ động đề xuất sửa chữa các tàu thuyền, ca nô, kịp thời khắc phục các sự cố hỏng hóc; bổ sung thêm một số vật dụng cần thiết như đèn pin, dây quăng, lốp cao su chống va đập; dự trữ nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm… sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ.

Kiên quyết không để ngư dân ở lại trên lồng bè

Tại TX Sông Cầu, địa phương có hơn 80.400 lồng bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển và các đầm, vịnh. Trong đó, vịnh Xuân Đài trải dài từ các phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên và xã Xuân Phương, có tới 50.000 lồng nuôi tôm hùm. Những ngày qua, hai đồn Biên phòng Xuân Đài, Xuân Hải và các đơn vị lực lượng vũ trang rốt ráo triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 5. Trong đó, việc di dời lao động và lồng bè NTTS được đặc biệt chú trọng. Các đồn Biên phòng đã phối hợp với địa phương rà soát, chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người trên các lồng bè NTTS, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển; tổ chức hướng dẫn bảo đảm an toàn cho khách du lịch, tham quan trên các đầm, vịnh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và tình huống xảy ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Lương Công Tuấn, UBND thị xã đã làm việc cụ thể với các phường, xã có kế hoạch tổ chức di dời lồng bè đến nơi an toàn và tuyệt đối không cho người dân ở lại trên lồng bè khi bão đến. Song song đó, địa phương cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, bao gồm: lực lượng, phương tiện tại chỗ của các phường, xã; phương tiện của ngư dân và các lực lượng.

Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) khu vực tuyến biển, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam và Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô cũng đã chủ động tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đông Hòa và các xã, thị trấn ven biển thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở; chủ động hỗ trợ và vận động người dân chằng chống nhà cửa, gia cố lồng bè NTTS, nhất là nhà tạm, nhà bán kiên cố; chú trọng công tác chống ngập úng, triều cường. Đồng thời luyện tập các phương án, sẵn sàng di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; triển khai, duy trì việc trực ban, trực gác, kiểm tra, kịp thời phát hiện khắc phục những thiếu sót trong công tác phòng, chống lụt bão tại cơ sở, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ATNĐ và bão số 5 gây ra.

Xác định PCTT-TKCN là nhiệm vụ chiến đấu của LLVT trong thời bình; cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có ý thức phòng chống, Bộ CHQS tỉnh cũng đã và đang tích cực triển khai công tác PCTT-TKCN, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, nhằm giảm tối đa thiệt hại. Trong đó tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh và chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch PCTT-TKCN của đơn vị; tổ chức quán triệt nhiệm vụ PCTT-TKCN đến cán bộ, chỉ huy cơ quan quân sự cấp huyện và cơ quan thuộc Bộ Chỉ huy. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh kịp thời bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN sát với tình hình thực tế; tăng cường kíp trực tại sở chỉ huy các cấp, thường xuyên theo dõi diễn biến của ATNĐ, bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động phòng chống và kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Ban CHQS cấp huyện củng cố lại lực lượng bộ đội thường trực, dân quân, dự bị động viên và thanh niên xung kích; kiểm tra tình trạng kỹ thuật toàn bộ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn theo biên chế và yêu cầu của địa phương…

Do số lượng lồng nuôi rất lớn, người dân nuôi trồng tự phát ngoài quy hoạch nhiều nên công tác di dời, đưa người lao động trên các bè nuôi vào bờ tránh trú ATNĐ, bão gặp nhiều khó khăn. Cùng với tích cực tuyên truyền, vận động kết hợp với răn đe, cảnh báo; BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, sẵn sàng cưỡng chế, không để người nào ở lại trên lồng bè khi ATNĐ, bão diễn ra và không quay trở lại bè nuôi khi chưa đảm bảo an toàn.

Đại úy Trần Kim Nhân, Phó Trưởng Đồn Biên phòng Xuân Đài

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/230886/chu-dong-giup-dan-ung-pho-voi-bao-lu.html