Chủ động chống nóng bảo vệ đàn cá

Vụ xuân - hè là vụ sản xuất thủy sản chính trong năm tại Lào Cai. Từ đầu tháng 4, nông dân sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đã cải tạo, chuẩn bị ao và thả giống. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 đến nay, thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm có mưa, tạo ra sự chênh lệch lớn về nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ sinh trưởng của các đối tượng nuôi.

Xã Phong Niên là vùng nuôi thủy sản trọng điểm của huyện Bảo Thắng, với gần 70 ha ao nuôi. Nhiều hộ trong xã coi nuôi cá là sinh kế chính của gia đình nên đầu tư nuôi thâm canh quy mô vài ha. Vào thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5 và tháng 6), nông dân nơi đây phải “ăn, ngủ” cùng cá để có biện pháp đảm bảo cho chúng sinh trưởng, phát triển bình thường.

Gia đình ông Trần Bá Hùng ở thôn Tân Phong 1 có 3 ao cá với tổng diện tích gần 1.000 m2 nuôi các loại trắm, chép, rô phi… Ông Hùng cho biết, từ tháng 5/2019 đến nay, trên địa bàn có nhiều đợt nắng nóng diễn ra gay gắt làm tăng nhiệt độ nước trong ao nuôi. Có những ngày, ông thò tay xuống ao thấy nước như được đun trên bếp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng của cá, thậm chí có nguy cơ khiến cá chết hàng loạt. Vì vậy, vào những đợt nắng nóng tiếp theo, ông thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước, đo độ pH, bổ sung nước, nâng mực nước trong ao, đồng thời sử dụng sục khí để tăng hàm lượng oxy, thả lá chuối để che mặt nước nhằm giảm hấp thu nhiệt xuống ao nuôi.

Người nuôi nên cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát.

Huyện Bảo Thắng hiện có gần 740 ha nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt gần 2.500 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các xã: Phong Niên, Phong Hải, Phú Nhuận... Từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng cá chết do nắng nóng tại 5 hộ, trọng lượng cá chết hơn 2 tấn. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mùa hè năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước khan hiếm không đủ nước lưu thông ra - vào ao, mật độ nuôi dày dẫn đến tình trạng thiếu oxy cục bộ, làm cá chết tại một số hộ nuôi. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện triển khai các biện pháp giúp bà con hạn chế thiệt hại như tư vấn các hộ mua máy sục khí tạo oxy, bảo vệ nguồn nước để cung cấp đủ cho các ao, làm dàn che nắng... Đồng thời, vận động bà con giảm đàn, tạo khoảng cách phù hợp trong điều kiện thiếu oxy, thường xuyên kiểm tra môi trường nước, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha ao nuôi thủy sản, hơn 13.000 m3 lồng, bè nuôi cá và sản lượng đạt gần 6.800 tấn cá/năm. Những năm qua, thủy sản đóng góp phần lớn vào tái cơ cấu, tạo tăng trưởng của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, nuôi thủy sản hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiên tai, biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nuôi thủy sản. Do đó, vào mùa nắng nóng, các hộ cần thường xuyên kiểm tra bờ và cống ao, tránh rò rỉ nước; bổ sung nước sạch cho ao nuôi để ổn định nhiệt độ nước. Định kỳ bón vôi để làm sạch, ổn định pH và phòng bệnh cho cá hoặc sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn trong môi trường ao nuôi. Làm giàn che nắng trên mặt nước ở phía Tây của ao hoặc làm các khung thả bèo cái, bèo tây trên mặt ao làm nơi trú nắng cho cá. Đối với ao nuôi lươn, ếch cần tạo nơi trú nắng bằng các ống tre, nứa, buộc thành từng bó nhỏ đặt ở các góc ao.

Các hộ nuôi cần thường xuyên quan sát ao nuôi vào lúc nửa đêm và sáng sớm, nếu thấy hiện tượng cá nổi đầu cần tăng lượng oxy bằng cách bơm thêm nước sạch vào ao, có thể thay 30% lượng nước trong ao nuôi và phun mưa trên mặt ao, sử dụng máy bơm nước, máy phun nước, thuyền tạo sóng, sử dụng viên nén oxy. Tuyệt đối không xả thải trực tiếp chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi xuống ao nuôi.

Đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) cần điều chỉnh các van cấp nước hợp lý; tăng cường sử dụng các thiết bị phụ trợ (máy sục khí), các chế phẩm sinh học, viên nén oxy. Khi nhiệt độ hơn 35oC, không nên nhập trứng cá hồi, cá tầm về ấp nở, cần ưu tiên nước cho ương giống, duy trì mật độ ương, ấp trứng phù hợp tùy tình hình thực tế.

Đối với nuôi cá lồng, bè, phải thường xuyên vệ sinh lồng đảm bảo nước luôn được lưu thông trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu, đảm bảo lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Nếu không di chuyển được, cần hạ thấp lưới lồng, di chuyển các lồng nuôi vào vị trí kín gió. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá; theo dõi thường xuyên để xác định lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/chu-dong-chong-nong-bao-ve-dan-ca-z3n20190720083521138.htm