Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trên biển
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển, đảo trên các hòn đào tiền tiêu, các cán bộ, chiến sĩ còn tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Đó là tình cảm quân dân được duy trì, phát triển qua nhiều năm, đồng thời, cũng là cách để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mối tình quân dân luôn rất đỗi thiêng liêng, cao quý trên biển, đảo quê hương.
Dân gặp khó có bộ đội
Đường đi lên Trạm radar 615 trên đảo Hòn Chuối kéo dài tới gần 400 bậc thang khá dốc. Với những ai không quen dễ bị hụt hơi giữa chừng nhưng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì đây là cung đường quen thuộc mỗi ngày để bảo đảm công tác tại đơn vị.
Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trạm radar 615 Nguyễn Trung Khắc cho biết, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ tại trạm là quan sát, phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không để kịp thời báo cáo, hiệp đồng phối hợp xử lý khi có tình huống.
Thời gian qua, đơn vị cũng đã phát hiện nhiều trường hợp liên quan đến hoạt động buôn lậu, đánh bắt hải sản trái phép qua đó tạo một môi trường ổn định, bình yên để ngư dân nước đánh bắt hải sản trên các ngư trường trên vùng biển chủ quyền.

Đảo Đá Đông A trên quần đảo Trường Sa.
Với tính chất quan trọng của công việc, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn nỗ lực, tập trung và không ngừng huấn luyện, học tập nâng cao trình độ để bảo đảm yêu cầu công tác. Ra đa được ví như những “mắt thần” trên biển để bảo vệ chủ động, từ xa chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tự hào về những người dân luôn cần cù, sáng tạo, dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh khó khăn nào, vẫn đang ngày một nỗ lực bám biển để phát triển kinh tế, để ổn định đời sống góp phần trở thành những cột mốc chủ quyền sống của Tổ quốc Việt Nam.
Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh
Âu tàu đảo Sinh Tồn có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Đây là Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật rộng lớn thuộc Hải đoàn 129 trên quần đảo Trường Sa. Tình quân dân nơi đây đã được cán bộ, chiến sĩ và ngư dân thắt chặt qua nhiều hoạt động ý nghĩa.
Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng, Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết, vấn đề lương thực, nước uống luôn là mối quan tâm lớn của ngư dân đi biển nên những năm qua, đơn vị đã hỗ trợ hàng trăm kg rau xanh, gạo, thực phẩm khác nhau,… cho hàng trăm lượt tàu đánh bắt hải sản; tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu, thuyền vào âu tránh gió và xin hỗ trợ các dịch vụ; cấp miễn phí gần hàng trăm nghìn lít nước cho ngư dân đánh bắt cá. "Nhìn thấy người dân an toàn, cá đầy khoang sau mỗi chuyến đi là chúng tôi vui rồi", Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng chia sẻ.
Ở tất cả bệnh xá trên các đảo cũng là địa chỉ đầu tiên mà các ngư dân tìm đến, nơi tin cậy nhất khi có những vấn đề về sức khỏe.

Một ngư dân được Quân y đảo Song Tử Tây hỗ trợ về y tế khi gặp nạn trên biển. (Ảnh: Bệnh xá đảo Song Tử Tây)
Quân y đảo Song Tử Tây vừa mới thực hiện ca cấp cứu một ngư dân (tỉnh Bình Định) bị thương nặng quá trình lặn biển đánh bắt hải sản. Vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 27/4 vừa qua, bệnh xá đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tiếp nhận một bệnh nhân với biểu hiện yếu, tê hai chân, giọng nói yếu. Ngư dân đi cùng đã đưa nạn nhân vào bệnh xá của đảo cách chỗ đánh bắt khoảng 20 hải lý để nhờ sự hỗ trợ.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ngư dân này bị giảm áp cấp tính mức độ nặng do lặn sâu dưới biển. Với sự chẩn đoán kịp thời, kết hợp hội chẩn từ xa với đội ngũ Viện Y học Hải quân, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh xã đảo.
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây được đầu tư đồng bộ, rộng lớn với diện tích hơn 8ha. Tại đây, ngoài hệ thống văn phòng, kho hàng, nhà máy nước đá, kho lạnh,… xưởng cơ khí của Trung tâm còn có một thiết bị làm đá lớn nhằm bảo quản hải sản cũng luôn hoạt động tối đa công suất. Đây là địa chỉ quen thuộc của các ngư dân khi cần tiếp đá, nhiên liệu và các nhu cầu khác để duy trì sự hoạt động thông suốt trên biển.
Ngoài ra, Trung tâm cũng được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Từ nguồn này, ngoài phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn để cung cấp cho các tàu, thuyền trong điều kiện đánh bắt dài ngày.
Sắt son tình quân dân
Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A cho biết, bên cạnh các công tác tại đơn vị, cán bộ, chiến sĩ còn thường xuyên hỗ trợ ngư dân sản xuất, lao động trên các ngư trường không may gặp nạn, cần hỗ trợ về phương tiện khi bị sự cố. Mỗi năm, trung bình đơn vị hỗ trợ hàng trăm lượt tàu, thuyền vào tìm sự trợ giúp, hỗ trợ về y tế,… Trong điều kiện hoạt động trên biển, các âu tàu, khu hậu cần nghề cá trên các đảo chính là điểm tựa để họ yên tâm bám biển.
"Mỗi lần hỗ trợ, giúp được bà con trên biển, chúng tôi vui lắm. Họ quý mến lắm, cảm ơn anh em chiến sĩ bằng những sản vật đánh bắt được để đơn vị cải thiện bữa ăn. Tình cảm đó đã tồn tại và gắn kết từ nhiều đời nay đối với quân và dân trên biển, đảo", Đại úy Nguyễn Duy Khánh nói thêm.
Nhìn thấy bàng vuông là chúng ta nhớ đến biển đảo quê hương, nơi tuyến đầu Tổ quốc, nhớ đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chúng ta đang ngày đêm đối mặt với khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Tình quân dân trên biển ngày càng một thắm nồng khi mỗi lần ghé đảo, bà con lại gửi tặng cán bộ, chiến sĩ những thành quả của mình sau một ngày lao động. Mỗi lần tàu thuyền ngư dân ghé vào, cán bộ, chiến sĩ ở các âu tàu, trung tâm hậu cần lại được tiếp thêm những cây đá làm lạnh, những can dầu đầy ắp, sẵn sàng sửa chữa những hỏng hóc của tàu thuyền để ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi.

Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc tặng quà cho các em nhỏ trên đảo Thổ Chu.
Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây A chia sẻ, những năm qua, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của người dân đánh bắt, khai thác trên vùng biển Trường Sa-DK1. Đó cũng là cách để khẳng định sự hiện diện thường xuyên của quân và dân trên vùng biển thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Chia sẻ cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc, chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quân dân đất liền luôn tự hào vì ngày đêm luôn có những lực lượng giữ vững chủ quyền biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
Tự hào về những người dân luôn cần cù, sáng tạo, dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh khó khăn nào, vẫn đang ngày một nỗ lực bám biển để phát triển kinh tế, để ổn định đời sống góp phần trở thành những cột mốc chủ quyền sống của Tổ quốc Việt Nam.
Đồng hành, sẻ chia cùng những khó khăn, vất vả đó, Thành phố Hồ Chí Minh luôn có những trái tim hướng về biển đảo quê hương, hướng về tuyến đầu Tổ quốc, luôn dành những tình cảm chân thành nhất dành cho quân và dân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội nông dân (trái); chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (phải) trò chuyện cùng các lực lượng công tác trên đảo Hòn Chuối.
Trở lại thành phố sau chuyến hành trình đầy ý nghĩa này, chắc hẳn rằng mỗi đại biểu chúng tôi được tiếp thêm rất nhiều những tình cảm thiêng liêng, cao quý để nỗ lực hơn nữa góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, góp phần vào việc trở thành hậu phương vững chắc của biên cương biển đảo, góp phần xây dựng vững mạnh thế trận quốc phòng toàn dân.
Trở về từ chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 2024, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, những người lính biển đã tặng thành phố rất nhiều cây bàng vuông.
Những gốc bàng vuông kiên trung đó đã được gieo xuống ở nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhắn nhủ, những cây bàng vuông thể hiện tình cảm cũng như ý chí, nghị lực và sự quyết tâm của quân và dân trên quần đảo Trường Sa đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhìn thấy bàng vuông là chúng ta nhớ đến biển đảo quê hương, nơi tuyến đầu Tổ quốc, nhớ đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chúng ta đang ngày đêm đối mặt với khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tình cảm đặc biệt đó còn được thể hiện qua các dự án về trường học, dự án góp đá xây Trường Sa, dự án Xanh hóa Trường Sa, trao các công trình thiết thực trên các đảo phía tây nam… để các đảo mãi trường tồn trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Trường Sa, tây nam, những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc tuy xa về khoảng cách địa lý với đất liền nhưng mối liên hệ, gắn bó luôn keo sơn, ruột thịt. Những năm qua, tình cảm quân và dân đất liền luôn dành cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thân yêu những tình cảm đặc biệt.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cho-dua-vung-chac-cho-ngu-dan-tren-bien-post876123.html