Chim sơn ca của núi rừng Việt Bắc… ngừng hót

Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu - họa mi của núi rừng Việt Bắc đã trở về với gió núi, mây ngàn ở tuổi 66 để lại niềm tiếc thương cho đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng và Việt Bắc nói chung. Tiếng hát của bà đẹp, trong trẻo, da diết đã có sức lay động lòng người, đi vào tâm thức của biết bao thế hệ và cũng là niềm tự hào của núi rừng Việt Bắc.

Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu. Ảnh: Ngô Khiêm

Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu. Ảnh: Ngô Khiêm

Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu (tên thật là Nguyễn Thị Dương Liễu) là người con của quê hương Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Huyện Phục Hòa là nơi có mía ngọt, đường ngon và giàu truyền thống văn hóa các dân tộc. Cái nôi văn hóa ấy đã hun đúc cho Dương Liễu một tình yêu rất lớn đối với nghệ thuật truyền thống và bà thành danh từ tình yêu lớn ấy. Cả cuộc đời cống hiến cho quê hương xứ sở nơi có đông đồng bào các dân tộc anh em nên mặc dù Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu là người kinh nhưng đã được đồng bào mặc định là “cần lầu” (người đồng tộc với mình).

Trong hơn 40 năm lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ, tiếng hát của bà đã vang khắp các bản làng và đi vào tâm khảm của người Việt Bắc, người Cao Bằng. Tiếng hát ấy có sự rắn rỏi, mạnh mẽ của người phụ nữ kiên cường, nghị lực được cất lên từ một trái tim nhiệt huyết rực màu hoa đỏ và sự tinh tế, nhẹ nhàng từ tâm hồn của một người con gái đẹp quê hương Cao Bằng. Tiếng hát thiết tha ấy bay qua không gian và thời gian để ngân lên cùng sóng nước trời Tây Thụy Sĩ xa xăm, trải dài theo từng ngọn núi, cánh đồng non nước Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) để nâng tâm hồn những khán giả ngoại quốc cùng bay cao, bay xa đến chân trời nghệ thuật.

Có lẽ ít nghệ sĩ nào có nhiều nghề như Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu. Trước khi tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, bà đã từng tốt nghiệp trường Trung cấp mầm non với một tâm hồn nhà giáo trong sáng yêu nghề, yêu trẻ và đỏ rực như cánh hoa phượng vỹ. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, bà không chỉ là một ca sĩ tài năng mà còn là người lãnh đạo, đạo diễn nghệ thuật tâm huyết, tài năng và thu phục được lòng người. Trong cuộc sống thường nhật, để thêm nguồn thu nhập cho gia đình và niềm đam mê nghề, bà còn kiêm thêm cả nghề buôn bán tại chợ thành phố Cao Bằng. Thời gian sau khi nghỉ hưu, bà mở cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn tại Hà Nội. Với bà, việc cho thuê trang phục biểu diễn không phải để kiếm thu nhập mà để bà đỡ nhớ nghề và được gần con cháu.

Cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu là những chuyến đi, chuyến đi từ những miền văn hóa, chuyến đi từ những tâm hồn người cùng đồng điệu trong một nhịp đập yêu thương vô bờ. Đi là để trở về, 21 giờ tối ngày 21 tháng 12 năm 2022, bà đã từ biệt hồng trần để trở về cõi vĩnh hằng xa xăm. Bà trút hơi thở cuối cùng trên chuyến xe cấp cứu trên đường từ Cao Bằng xuống Hà Nội. Chuyến xe cuối cùng ấy cũng như bao chuyến xe khác của cuộc đời người nghệ sĩ lại đưa bà trở về với quê hương Phục Hòa với mây trời, gió núi.

Nhận được tin Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu qua đời nhà nghiên cứu Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học) chia sẻ: “Vậy là năm 2022 này cộng đồng Tày-Nùng chúng ta mất đi quá nhiều những cây đại thụ, trước đó là nhà thơ Y Phương, nhà thơ Mã Thế Vinh... Nếu như các nhà thơ kê cao quê hương bằng vần thơ thì những nghệ sĩ như Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu lại nuôi lớn quê hương bằng những lời ca tiếng đàn. Không kể những bài hát cách mạng, chỉ cần nhắc tới khía cạnh dân ca thì bà chính là một trong những người có công lớn trong hành trình lan tỏa văn hóa Tày-Nùng (cụ thể là dân ca) đến với mọi miền đất nước, đó là “Pác Bó - Làng Sen”, “Suối Lê Nin nhớ Bác”... Những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương và cần động lực để vượt qua khó khăn tôi thường nghe cô hát”.

Còn NSND Triệu Thủy Tiên (Nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn) bồi hồi chia sẻ: “Dương Liễu sinh ra để được làm nghệ thuật, trở thành ca sĩ của núi rừng Việt Bắc. Từ lâu tiếng hát của em đã như một “biểu tượng” của Việt Bắc, đã làm cho biết bao trái tim khán, thính giả thổn thức khi nhớ về con người và vùng đất nơi đây. Có lẽ rất lâu nữa Việt Bắc mới có một Dương Liễu - một người nghệ sĩ tài năng, đức độ, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn”.

Người đi rồi nhưng tiếng hát vẫn để lại cuộc đời. Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu thành danh từ rất nhiều những ca khúc âm hưởng dân gian Tày, Nùng và những bài then giàu cảm xúc. Nhưng có lẽ bài hát “Mời anh lên Cao Bằng quê em” (thơ Y Phương, nhạc Thuận Yến) là tác phẩm Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu thể hiện thành công nhất. Bài hát ấy được rất nhiều những thế hệ người con Cao Bằng yêu mến một cách rất thiết tha, sâu lắng. Nó cất lên từ một tiếng hát của một người con Cao Bằng và một tình yêu quê hương sâu sắc. Tiếng hát ấy là lời mời gọi du khách muôn phương về với miền non nước Cao Bằng và là niềm tự hào của nhân dân Cao Bằng. Bà không chỉ là họa mi của núi rừng Việt Bắc, rút cả tâm can để cất tiếng hát dâng đời mà còn là đóa hoa thơm, tỏa ngát hương cùng mây trời, thế sự.

Còn nhớ chỉ cách đây 2 tuần khi trò chuyện cùng bà, bà hồ hởi chia sẻ niềm vui là sắp tổ chức một chương trình ca nhạc như tổng kết quá trình ca hát của cuộc đời mình và hứa sẽ thông tin cụ thể cho báo chí. Giờ đây thì chương trình đã và sẽ không bao giờ thực hiện được nữa rồi. Bà đã mang theo tiếng hát trời phú của mình về với cỏ cây, hoa lá, núi rừng Phục Hòa đầy thương mến. Tiếng ấy sẽ và mãi còn “tấu” lên, làm đẹp hơn tâm hồn, tính cách và con người Việt Bắc - một miền đất còn ẩn chứa biết bao vẻ đẹp mà nhiều người còn chưa biết. Cùng nhớ về bà, chắc hẳn giờ đây nhiều người cũng đang ngân nga: “Mời anh lên Cao Bằng quê em/ Lên đèo Khau Liêu qua đèo Mã Phục/ Luồn qua rừng vầu xuyên qua rừng trúc/ Như bầy ong ong như bầy chim…”.

Xuân Bách - Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chim-son-ca-cua-nui-rung-viet-bac-ngung-hot-post457520.html