Chìa khóa thành công trên những cánh đồng công nghệ tiền tỷ ở Lâm Đồng

Lâm Đồng đang nổi lên như một điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng giá trị sản phẩm.

Ở vùng rau nổi tiếng ở xã Trạm Hành (TP. Đà Lạt), trong làn sương bảng lảng đặc trưng của vùng cao nguyên, những nhà kính giờ không còn xa lạ. Bên trong, hàng trăm luống rau xanh mướt được chăm sóc bằng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, được tính toán chính xác tới từng mili lít.

Bước đi vững chắc

Anh Nguyễn Văn Lực, chủ trang trại rộng hơn 1,5 ha tại Trạm Hành, khẳng định hiện tại làm nông không còn như xưa, muốn có lời phải đầu tư công nghệ, từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

“Trước, tôi làm kiểu truyền thống, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, giá lại bấp bênh. Từ khi chuyển sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng hệ thống IoT, cảm biến nhiệt độ - độ ẩm, hệ thống camera giám sát và nhật ký điện tử, mọi thứ thay đổi hẳn”, anh Lực chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ là chìa khóa thu tiền tỷ của nông dân, HTX ở Lâm Đồng (Ảnh: BLĐ).

Ứng dụng công nghệ là chìa khóa thu tiền tỷ của nông dân, HTX ở Lâm Đồng (Ảnh: BLĐ).

Với diện tích trồng rau thủy canh trong nhà kính, mỗi năm trang trại của anh Lực cho doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Không chỉ đạt sản lượng ổn định, rau của anh còn được dán tem truy xuất nguồn gốc, nên vào được các hệ thống siêu thị lớn. “Không có chuyển đổi số, chắc giờ tôi vẫn đang còng lưng theo mấy luống cải”, anh Lực hồ hởi nói.

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có gần 100 doanh nghiệp và HTX đang ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số như phần mềm quản lý sản xuất, nhật ký điện tử, tem QR truy xuất nguồn gốc… Không ít HTX đang sử dụng máy bay không người lái để phun chế phẩm sinh học, vừa tiết kiệm công lao động, vừa đảm bảo an toàn sinh thái.

Điển hình như tại huyện Đức Trọng, nhiều mô hình trang trại hoa ứng dụng công nghệ cao đã đạt doanh thu lên tới 20 - 24 tỷ đồng/ha/năm. Ở đây, hệ thống nhà kính thông minh tự động điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ theo thời tiết.

Những thành viên HTX, nông dân trên địa bàn huyện trước đây đơn thuần “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giờ đã trở thành “kỹ sư” nông nghiệp số, vận hành cả cánh đồng bằng... điện thoại thông minh.

Được biết, toàn tỉnh có khoảng 90 HTX và hàng trăm hộ sản xuất nhỏ đang từng bước chuyển mình cùng công nghệ. Với chính sách hỗ trợ từ tỉnh, cùng tinh thần chủ động học hỏi, người nông dân Lâm Đồng đã bắt đầu làm chủ công nghệ thay vì e ngại như trước.

Điểm sáng giữa đại ngàn

Từ Trạm Hành ngược đường về phía Tây đến xã Phi Liêng, huyện Đam Rông – một vùng đất từng được xem là khó khăn nhất của Lâm Đồng, những năm qua cũng có thể thấy sự thay da đổi thịt trong sản xuất nông nghiệp của HTX, nông dân địa phương.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao Phi Liêng do anh Phí Văn Thìn làm “thuyền trưởng”. Anh Thìn kể, trước đây gia đình anh làm rau theo phương pháp truyền thống, bán chợ địa phương, thu nhập bấp bênh.

Năm 2020, sau khi tiếp cận được một số mô hình ở Đà Lạt, anh quyết định vay vốn, đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và quản lý sản xuất bằng phần mềm. “Lúc đầu, bà con còn ngại lắm, ai cũng bảo tôi liều. Nhưng làm rồi mới thấy, công nghệ giúp mình kiểm soát được mọi thứ, từ nước tưới, phân bón đến sâu bệnh”, anh Thìn chia sẻ.

Từ một hộ sản xuất đơn lẻ, anh Thìn vận động thêm các nông hộ khác cùng làm, rồi thành lập HTX. Đến nay, HTX Phi Liêng có 7 thành viên chính thức và liên kết sản xuất với hơn 30 hộ dân trong xã, quy mô hơn 16 ha. Trong đó, hơn 3 ha trồng rau theo mô hình bán thủy canh, kiểm soát hoàn toàn bằng hệ thống cảm biến.

Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: BLĐ).

Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: BLĐ).

“Chúng tôi không chỉ trồng rau sạch đạt chuẩn VietGAP mà còn liên kết với các công ty bao tiêu, đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mỗi tháng xuất đi hàng chục tấn rau với giá ổn định,” anh Thìn cho hay.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Phi Liêng còn mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương. Nhờ đó, gần 150 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, có việc làm và thu nhập ổn định từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.

Năm 2024, HTX được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh là HTX tiêu biểu toàn quốc. Đây là một phần thưởng xứng đáng cho hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của những người nông dân hiện đại giữa vùng đất từng là “vùng trũng” về kinh tế.

Thêm điểm tựa hỗ trợ

Có thể thấy các HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có những đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, tạo điểm tựa cho các hộ thành viên nâng cao hiệu quả canh tác.

Để có được những thành công hiện tại, trong những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực sản xuất và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đa dạng như: đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số nông nghiệp, các HTX tại Lâm Đồng như HTX Nông nghiệp Thủy canh Trường Anh (TP. Đà Lạt), HTX Rau quả Tân Tiến (huyện Đơn Dương)… đã nhận được sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cung cấp phần mềm quản lý sản xuất, tem truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ số trong bán hàng online từ các chương trình của Liên minh HTX Việt Nam.

Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng còn hỗ trợ kết nối các HTX với hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, giúp HTX quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bên cạnh sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng, để thúc đẩy nông nghiệp số phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng dự kiến tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế hợp tác, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn...

Tựu trung lại, từ những trang trại rau ở Trạm Hành đến mô hình HTX ở Phi Liêng, có thể thấy chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của máy móc hay phần mềm, mà là sự đổi mới về tư duy. Khi người nông dân được tiếp cận, được học hỏi và dám thay đổi, thì công nghệ trở thành công cụ để nâng tầm sản xuất.

Lâm Đồng đã và đang chứng minh rằng nếu đi đúng hướng, chuyển đổi số sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần giải bài toán xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững vùng nông thôn.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/chia-khoa-thanh-cong-tren-nhung-canh-dong-cong-nghe-tien-ty-o-lam-dong-1106258.html