Khi AI trở thành đồng nghiệp
Agentic AI chính là 'động cơ số' giúp doanh nghiệp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu khách hàng trong cuộc chơi toàn cầu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện không còn dừng lại ở vai trò “công cụ phụ trợ” mà đang dần trở thành nhân tố chủ chốt, trực tiếp định hình hướng đi và quyết sách quan trọng của doanh nghiệp. Một trong những hướng đi đầu hiện nay của trí tuệ nhân tạo chính là Agentic AI (AI tạo sinh) khi AI có thể chủ động học hỏi, tiếp ứng và hành động dựa trên mục tiêu đã định.
Agentic AI: Từ phản hồi đến chủ động
Bước sang kỷ nguyên tự động hóa, AI hiện giờ đã bước qua giai đoạn ‘đáp lệnh’ của con người, và đang tiến tới khả năng chủ động học hỏi, tiếp ứng và hành động dựa trên mục tiêu đã định.
Tại sự kiện Data Center Summit do Viettel IDC tổ chức, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud Việt Nam nhận định, đây sẽ là một kỷ nguyên mới của tự động hóa AI, kỷ nguyên Agentic AI, nơi mà AI sẽ trở thành ‘đồng nghiệp số’ trong mọi doanh nghiệp.
Tự động hóa AI sẽ vô cùng mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2025, nhờ ba xu hướng đột phá: tương tác đa phương thức (multimodal interaction), AI agent và mạng lưới agent phối hợp (multi‑agent).
Trước hết, với khả năng multimodal, hệ thống Agentic AI không chỉ dừng ở xử lý văn bản mà còn hiểu và phân tích giọng nói, hình ảnh, video, giúp doanh nghiệp thu thập bối cảnh thấu đáo hơn, từ ánh mắt khách hàng đến sắc thái giọng nói trong cuộc gọi chăm sóc, từ đó đưa ra quyết định chính xác và kịp thời.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud Việt Nam
“AI ngày nay không chỉ trả lời một câu hỏi một lần; nó sẽ phục vụ theo quy trình liên tục, với mục tiêu và kết quả được xác định ngay từ đầu”. Khả năng này giúp doanh nghiệp xây dựng các chuỗi hành động tự động, từ chăm sóc khách hàng đến quản lý vận hành nội bộ, theo một kịch bản liền mạch, nhất quán”, ông Toàn nhận định.
Tiếp đến, AI agent chính là “đội quân” số hóa quy trình nội bộ, được trang bị bốn năng lực cốt lõi: nhận thức (perception), tự quyết định (autonomy), tự học liên tục (continuous learning) và bám đuổi mục tiêu (goal pursuit).
Nhờ vậy, mỗi agent có thể thay con người đảm trách những công việc lặp đi lặp lại, từ lọc hồ sơ ứng viên đến xử lý hàng nghìn email, mà vẫn luôn cải thiện hiệu quả qua mỗi lần vận hành.
Cuối cùng, multi‑agent chính là bước tiến đưa tự động hóa lên tầm hệ thống: thay vì một agent đơn lẻ, doanh nghiệp có thể triển khai chuỗi agent phối hợp, mỗi “nhân sự ảo” đảm trách một công đoạn trong quy trình liên tục.
Ví dụ, trong quy trình tuyển dụng, agent đầu tiên lọc hồ sơ thô, agent thứ hai lên lịch phỏng vấn, agent thứ ba hỗ trợ thu thập phản hồi sau phỏng vấn, tất cả đều hoạt động nhịp nhàng, tự động và được giám sát tập trung.
Sự kết hợp giữa khả năng tương tác phong phú của multimodal, năng lực tự chủ của AI agent và sức mạnh cộng hưởng của multi‑agent chính là chìa khóa để doanh nghiệp tiến sâu vào kỷ nguyên Agentic AI, nơi AI không chỉ hỗ trợ mà còn dẫn dắt chiến lược và quy trình vận hành.
Agentic AI là một bước tiến vượt bậc khi AI không chỉ cần phản hồi theo lập trình, mà có thể chủ động học hỏi, tiếp ứng và hành động dựa trên mục tiêu đã định.
Ý tưởng này không đơn thuần là nâng cấp khả năng sinh nội dung (Generative AI), mà là trao cho hệ thống quyền tự động điều chỉnh chiến lược dựa trên dữ liệu thời gian thực và KPI đã được thiết lập.
Theo ông Toàn, điểm khác biệt căn bản của Agentic AI nằm ở cơ chế “feedback loop” hai chiều: hệ thống không chỉ tiếp nhận yêu cầu mà còn quan sát hiệu quả của từng hành động, từ đó tinh chỉnh phương án tiếp theo.
“AI ngày nay không chỉ trả lời một câu hỏi một lần; nó sẽ phục vụ theo quy trình liên tục, với mục tiêu và kết quả được xác định ngay từ đầu, ví dụ qua khả năng phân tích nhanh các chỉ số kinh doanh, từ tỷ lệ chuyển đổi của chiến dịch marketing đến hiệu suất sản xuất và tự động đề xuất thay đổi chiến thuật nhằm tối ưu ROI”, ông Toàn khẳng định
Thách thức trong quản trị mục tiêu
Dù hứa hẹn khả năng tự động hóa và chủ động đề xuất chiến lược, Agentic AI chỉ thực sự phát huy giá trị khi doanh nghiệp xây dựng được khung quản trị mục tiêu chặt chẽ.
Thực chất, mỗi AI agent cần nhận diện được KPI – từ chỉ số doanh thu, tỉ lệ chuyển đổi khách hàng đến hiệu suất sản xuất – và liên tục bám đuổi mục tiêu đó trong mọi hành động.
Nếu mục tiêu không được xác định rõ ràng hoặc thay đổi quá nhanh, AI rất dễ “lệch hướng”, đưa ra đề xuất không phù hợp với chiến lược tổng thể.
Bên cạnh đó, chất lượng và tính toàn vẹn của dữ liệu đầu vào là một trong những thách thức lớn nhất.
Trong môi trường doanh nghiệp, nguồn dữ liệu thường phân tán trên nhiều hệ thống như CRM hay ERP và có những yêu cầu riêng biệt về quyền riêng tư.
Việc thiếu một kho dữ liệu nhất quán, khả năng “truyền liên kết” giữa các hệ thống còn yếu và hạn chế về dữ liệu tiếng Việt, tiếng địa phương khiến AI khó học hỏi đầy đủ bối cảnh, dẫn tới chất lượng đề xuất và quyết định chưa đạt chuẩn.
Cạnh tranh không chỉ về công nghệ mà còn về khung pháp lý và đạo đức. Ông Đặng Văn Đức - Giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Intel cảnh báo: “Hiện tại cũng chưa có quy định nào cho phép một Agent AI quyết định một khoản vay” .
Khi AI được trao quyền tự động ra quyết định mang tính ràng buộc, như phê duyệt tín dụng hay xử lý khiếu nại khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với câu hỏi trách nhiệm pháp lý và yêu cầu minh bạch.
Việc thiếu khung pháp luật rõ ràng không chỉ cản trở việc mở rộng ứng dụng tự động hóa AI mà còn đặt ra rủi ro về trách nhiệm giải trình, an toàn dữ liệu và niềm tin của khách hàng.
Trong bối cảnh đó, nhà quản trị doanh nghiệp phải song hành ba trụ cột: xác lập mục tiêu rõ ràng và bám đuổi liên tục, xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung với quy trình ETL (Extract‑Transform‑Load) đồng bộ, và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy định mới về AI.
Chỉ khi ba yếu tố này được cân bằng, doanh nghiệp mới có thể chuyển từ kỷ nguyên “AI hỗ trợ” sang kỷ nguyên Agentic AI, nơi AI không chỉ thực thi nhiệm vụ mà còn đồng hành định hướng chiến lược một cách tin cậy và bền vững.
Từ góc nhìn thực tiễn, Agentic AI không phải là viễn tưởng. Các doanh nghiệp đầu ngành đã bắt đầu ứng dụng những giải pháp ban đầu để AI tham gia vào chiến lược giá, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu khách hàng.
Agentic AI chính là “động cơ số” giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn tham gia định hình cuộc chơi toàn cầu.
AI Anywhere và Agent Space: Lựa chọn nào phù hợp với doanh nghiệp?
Khi Intel giới thiệu tầm nhìn AI Anywhere, ông Đặng Văn Đức đã nhấn mạnh rằng, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ từng bộ phận mà phải “phủ kín trong tất cả các ứng dụng và mang lại giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp”.
Theo ông, Intel đề xuất hai mũi nhọn song song: những dự án chiến lược (strategic projects) nhằm xây dựng tầm nhìn dài hạn và những sáng kiến nhanh (quick win) để chứng minh hiệu quả tức thì, qua đó duy trì động lực đổi mới liên tục.

Ông Đặng Văn Đức - Giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Intel.
Chiến lược này giúp doanh nghiệp cân bằng giữa nguồn lực đầu tư lớn cho chuyển đổi cơ bản và những bước cải tiến nhỏ giúp thuyết phục nội bộ về hiệu quả của AI.
Trong khi đó, giải pháp Agent Space do Google Cloud hợp tác cùng Viettel IDC đưa ra một cách tiếp cận nền tảng mở với khả năng tích hợp sâu rộng.
Ông Lê Đăng Ngọc - Giám đốc nền tảng AI tại Viettel AI giới thiệu Agent Space như “một nền tảng cho doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai AI agent".
Mô hình này không yêu cầu doanh nghiệp thay thế hạ tầng sẵn có, mà cho phép “cắm vào” mọi nguồn dữ liệu, duy trì tính linh hoạt và tránh bị ràng buộc chặt với một nhà cung cấp duy nhất.
Cả hai chiến lược đều hướng đến mục tiêu đưa AI thâm nhập sâu vào hoạt động doanh nghiệp, nhưng điểm khác biệt then chốt nằm ở cách thức triển khai và mức độ mở.
AI Anywhere ưu tiên phương pháp pha trộn giữa dự án lớn và sáng kiến nhanh, giúp doanh nghiệp vừa giữ vững tầm nhìn dài hạn, vừa có kết quả sớm để khuyến khích thay đổi văn hóa. Ngược lại, Agent Space tập trung vào nền tảng tích hợp đa nguồn, cho phép doanh nghiệp lựa chọn công nghệ, tránh dựa vào một nhà cung cấp duy nhất.
Về quản trị dữ liệu và an ninh, AI Anywhere yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng quy trình chuyển đổi dữ liệu và chính sách phân quyền rõ ràng, bởi AI được triển khai khắp nơi nhưng không nhất thiết kiểm soát tập trung. Trong khi đó, Agent Space cung cấp một lớp điều phối (orchestration) tập trung, giúp giám sát mọi connector và agent, thuận lợi cho việc tuân thủ quy định nội bộ và quốc tế.
Với những doanh nghiệp đặt ưu tiên vào kết quả nhanh, có đội ngũ sẵn sàng triển khai trên nhiều dự án nhỏ, chiến lược AI Anywhere sẽ là lựa chọn phù hợp. Ngược lại, tổ chức có hạ tầng đa dạng, cần bảo đảm tính mở rộng lâu dài và kiểm soát chặt chẽ kết nối dữ liệu thì nền tảng Agent Space sẽ tối ưu hơn.
Trong cả hai trường hợp, yếu tố quyết định vẫn là khả năng kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược, quy trình quản trị dữ liệu và văn hóa đổi mới để AI thực sự trở thành động lực xuyên suốt mọi hoạt động doanh nghiệp.
Agentic AI không chỉ là xu thế công nghệ mà còn là bước ngoặt chiến lược, khi AI trở thành đồng nghiệp số, tự chủ động đề xuất và thực thi các bước nhằm hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, Agentic AI hứa hẹn đưa doanh nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, nơi công nghệ không chỉ phục vụ mà còn sáng tạo và dẫn dắt chiến lược.