'Chìa khóa' thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời gian qua, việc đẩy mạnh học và làm theo Bác đã trở thành một xu thế, một thói quen, một nhu cầu tự giác của toàn Ðảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao quát ở chỗ là, vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng được Người nêu ra một cách sâu sắc, hệ thống, khoa học; thiết thực ở chỗ là dễ hiểu, súc tích, cô đọng và có thể vận dụng ngay với mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh; sâu sắc, nhân văn ở chỗ là luôn hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, gắn với những giá trị tiến bộ của nhân loại.

Ðạo đức Hồ Chí Minh - Viên ngọc lấp lánh

Trước khi bàn về đạo đức Hồ Chí Minh thì phải nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Ðạo đức là nền tảng, là sức mạnh của mỗi con người, đặc biệt là người làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm gốc. Ðạo đức cách mạng là phải trung với nước, hiếu với dân. Phải yêu thương con người, sống có nghĩa có tình. Phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải đặt lợi ích chung lên trên cái riêng, gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân, hướng tới tinh thần quốc tế trong sáng.

Ðể xây dựng đạo đức cách mạng, Bác chỉ rõ những nguyên tắc. Ðó là nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Trong mọi vấn đề, xây phải đi đôi với chống, phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Tranh: TÔ MINH TẤN

Tranh: TÔ MINH TẤN

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người cả đời phấn đấu, hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là “nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong Di chúc, Người viết: “Về việc riêng. Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác đã sống, đã tận hiến cuộc đời mình với một đạo đức sáng ngời như viên ngọc quý lấp lánh.

Bác là tấm gương về ý chí, nghị lực tinh thần to lớn để vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Lúc bôn ba tìm đường cứu nước, cho đến hoàn cảnh tù đày, khi bạo bệnh, Người luôn bằng ý chí, nghị lực, bản lĩnh để dũng cảm đối diện và vượt lên chiến thắng nghịch cảnh, khó khăn. Những vần thơ của Người ăm ắp tinh thần ấy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công” và “Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”.

Hồ Chí Minh luôn hết lòng yêu thương, quý trọng và phục vụ Nhân dân. Cả cuộc đời Người sống nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu và luôn luôn hết mực vì con người. Trong Di chúc, Bác viết: “Ðầu tiên là công việc đối với con người”. Trong mắt bạn bè quốc tế, Hồ Chí Minh là biểu tượng của nhân cách, đạo đức, phẩm giá của một người cộng sản chân chính, vĩ đại, mang tầm cỡ nhân loại và luôn phụng sự cho con người.

Ðạo đức Hồ Chí Minh là một đạo đức sáng trong, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðời riêng của Bác trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn. Hồ Chí Minh thực hành triệt để tất cả những điều Người quan niệm, thậm chí Người còn làm nhiều hơn những gì Người nói. Trong nếp sống riêng, từ ăn, mặc, ở, đi lại, rèn luyện sức khỏe..., Bác Hồ luôn ý thức để tiết kiệm, hợp lý.

Bác giữ mình liêm khiết, trong sạch, sống trung thực với chính mình và người khác, luôn tôn trọng người khác về tài năng, nhân cách, đóng góp. Cả cuộc đời, Bác Hồ lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ, nhất là căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy công quyền. Bác đã cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không để mình trở thành “quan cách mạng”, không bị gục ngã trước những cám dỗ của cuộc sống.

Phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn

Từ Ðại hội VII trở đi (Ðại hội VII của Ðảng diễn ra vào tháng 6/1991), Ðảng ta dùng từ “phong cách” để thay thế từ “tác phong” khi nói về Bác. Cũng từ Ðại hội VII, cụm từ “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được nói, viết liền nhau, thể hiện những giá trị, đặc trưng phong phú mà thống nhất trong toàn bộ cuộc đời và hoạt động của Bác.

Phong cách Hồ Chí Minh được khái quát: “Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Ðó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn”.

Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi khía cạnh trong cuộc sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ.

Ðầu tiên là phong cách tư duy của Bác, một phong cách tư duy biện chứng, khoa học, hiệu quả trên nền tảng của một chiến sĩ cộng sản mác xít. Ở Bác Hồ, phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại luôn là nền tảng của năng lực nhận thức và khả năng hành động thực tiễn. Từ cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu thực tiễn và điều kiện lịch sử, Người đã sớm thấu tỏ những vấn đề của dân tộc, của thời đại. Lối tư duy mới ấy đã giúp Nguyễn Ái Quốc quyết định sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Chính trong bối cảnh đó, nhận thức, tư duy của Nguyễn Ái Quốc đã có bước trưởng thành vượt bậc nhiều mặt, nhất là tư duy biện chứng và hiện đại.

Bác Hồ trở nên uyên bác bằng con đường tự học, học với tư duy chủ động, sáng tạo, không dừng ở hiện tượng mà truy tìm đến cùng tận bản chất của vấn đề, đi sâu vào phân tích, so sánh, tổng hợp, chắt lọc rồi rút ra những phán đoán, những kết luận mới, những luận điểm mới để vừa kế thừa nhưng luôn luôn vượt lên phía trước. Chính vì thế, Hồ Chí Minh không chỉ bắt được xu thế thời đại, lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc mà còn dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.

Ở Hồ Chí Minh, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo luôn luôn hiện hữu và quán chiếu mọi vấn đề. Không giáo điều, rập khuôn, máy móc, không vay mượn nguyên si, Người luôn từ nền tảng tri thức nhân loại tiến bộ để tìm ra chân lý phù hợp với thực tiễn thời đại. Tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh là việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Học thuyết của những bậc thầy cách mạng vô sản khi được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa và phát triển đã giải quyết triệt để những vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam.

Trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh, dễ dàng tìm thấy một lối tư duy hài hòa, uyển chuyển, thấu tình đạt lý. Người luôn đi từ cái chân lý, cái chung, cái phổ biến để nhận thức và lý giải thực tiễn. Khi viết bản Tuyên ngôn Ðộc Lập, Hồ Chí Minh đã dẫn ra những lý lẽ trong Tuyên ngôn Ðộc Lập của Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) để khẳng định nền độc lập, tự do của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng soi chiếu cho những người cộng sản chân chính. Về phong cách lãnh đạo, Bác Hồ luôn chú trọng vấn đề phong cách dân chủ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ðiều này được Bác lý giải khúc chiết: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung”.

Mọi việc lớn nhỏ của cách mạng, Bác Hồ đều tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Từ soạn thảo Tuyên ngôn Ðộc Lập cho đến viết một bài báo, Người đều tham khảo ý kiến tập thể. Những công việc của đất nước, Người đều tin cậy, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong Ðảng và Nhà nước, để làm sao mọi vấn đề được quyết định phải đúng, phải trúng, thận trọng và hạn chế việc thay đổi, bổ sung để mang lại lợi ích cho đất nước, Nhân dân.

Hồ Chí Minh là một hình mẫu sinh động về phong cách quần chúng, gần dân, tin dân, trọng dân, dựa vào dân, gắn bó với dân và học hỏi từ Nhân dân. Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh vô địch của Nhân dân, luôn lấy “dân làm gốc”, và bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ nước ta xây dựng là “của dân, do dân, vì dân”.

Phong cách nêu gương là một trong những bài học quý giá mà Người để lại cho chúng ta. Người nói cô đọng rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Hồ Chí Minh luôn nhất quán với phong cách làm việc khoa học và đổi mới. Khoa học là làm việc có lý luận, căn cứ thực tiễn và thấu đáo bản chất mọi vấn đề. Khoa học là không né tránh khuyết điểm, che chắn sai lầm, bưng bít sự thật. Làm việc gì cũng phải có chương trình, kế hoạch, thời hạn và gắn với quá trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mọi công việc, mỗi cá nhân đều phải không ngừng cải tiến, đổi mới, không cầu toàn, bảo thủ, sáo mòn để ngày càng tốt hơn.

Nét cuốn hút khác của Bác Hồ là phong cách diễn đạt với cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Với lối diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, có lượng thông tin cao, Bác Hồ luôn luôn thuyết phục và hằn sâu vào tâm trí người tiếp nhận những điều Người viết, Người nói. Phong cách diễn đạt của Người sinh động, gần gũi với cách nghĩ, cách cảm nhận của quần chúng Nhân dân, cùng với đó là việc gắn những nội dung truyền tải bằng những hình ảnh, ví von, so sánh hết sức cụ thể, thân thuộc. Có thể nói, phong cách diễn đạt của Người luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.

Ở Bác, phong cách ứng xử đã trở thành chuẩn mực, những bài học quý cho mọi người. Khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp và bằng sự chân tình, nồng hậu, tự nhiên, phong cách Hồ Chí Minh luôn luôn có sức hút, sức thuyết phục mạnh mẽ. Với từng đối tượng, Bác Hồ có sự linh hoạt, chủ động, ứng biến để hài hòa mà vẫn hết sức tinh tế.

Cuộc sống của Bác luôn luôn là một phong cách cần, kiệm, liêm, chính. Bác luôn tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó thiên nhiên với một cuộc sống hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa Ðông - Tây.

Có thể nói, việc thẩm thấu một cách hệ thống, sâu sắc những nội dung về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ soi sáng cho việc tiếp cận, tiếp thu giá trị tư tưởng của Người và ngược lại. Ðây thực sự là “chìa khóa” để việc học và làm theo Bác của mỗi cá nhân, tổ chức có thể thấu đáo, toàn diện, triệt để và hữu ích.

(Sách tham khảo: "Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - Ban Tuyên giáo Trung ương, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016 (Tài liệu nghiên cứu phục vụ triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”).

Phạm Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-chia-khoa-tham-nhuan-tu-tuong-ho-chi-minh-a39044.html