'Chìa khóa' giúp ngành Hải quan đáp ứng được lượng việc gia tăng nhanh chóng Kỳ 2: Hải quan điện tử - Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình vận hành hoạt động thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi có giải pháp khắc phục để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Thủ tục hải quan điện tử vẫn còn một số hạn chế. (Ảnh minh họa: PV)

Thủ tục hải quan điện tử vẫn còn một số hạn chế. (Ảnh minh họa: PV)

Có tình trạng lợi dụng hệ thống tự động phân khai luồng

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) ghi nhận, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa hồ sơ hải quan, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh rất nhanh, chỉ từ 1 đến 3 giây. Các thủ tục được thực hiện thông qua hệ thống thông quan tự động.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng chỉ rõ có hiện tượng một số doanh nghiệp đã lợi dụng hệ thống tự động phân khai luồng của hải quan, lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đưa hàng kê khai không đúng, thậm chí đưa hàng cấm vào trong nước với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) thì phản ánh, hiện nay qua kiến nghị của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, việc thực hiện thủ tục hải quan theo Điều 35 Nghị định 08/NĐ-CP năm 2015 vẫn còn phát sinh một số vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Chẳng hạn như việc chưa có văn bản hướng dẫn cơ sở dữ liệu để tra cứu thông tin để xác định thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam hay không đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động xuất, nhập khẩu tại chỗ, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư cho hoạt động của sản xuất trong nước.

Còn Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) đề cập đến tồn tại, hạn chế là hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa phù hợp với yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tồn tại trong việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước.

Chưa dự báo được sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu

Báo cáo của Bộ Tài chính trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng nhận định, mặc dù đạt được một số kết quả căn bản về thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, quá trình vận hành hoạt động thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan được thực hiện theo hệ thống pháp lý xây dựng trên nền tảng Hệ thống VNACCS/VCIS do phía Nhật Bản tài trợ (vận hành từ năm 2014) và các hệ thống vệ tinh do ngành Hải quan xây dựng mà chưa lường trước được xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, chưa dự báo được sự gia tăng không ngừng của kim ngạch xuất nhập khẩu dẫn đến việc giải quyết thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan còn một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, tồn tại về Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan: Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (Hệ thống cốt lõi là Hệ thống VNACCS/VCIS và trên 20 Hệ thống vệ tinh) qua gần 10 năm vận hành, tần suất xảy ra sự cố phần cứng và phần mềm ứng dụng của Hệ thống VNACCS/VCIS và các Hệ thống vệ tinh ngày càng tăng. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa phù hợp với yêu cầu về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Hệ thống VNACCS/VCIS chưa đáp ứng được một số hoạt động thương mại quốc tế mới (ví dụ như thương mại điện tử được vận chuyển qua giao dịch chuyển phát nhanh đường bộ...) nên các thiết kế về phần cứng, phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự tăng trưởng đột biến về lượng giao dịch của các loại hình thương mại mới dẫn đến bị quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam.

Về việc kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước, Hệ thống một cửa quốc gia hiện nay chưa đáp ứng được việc kết nối trao đổi thông tin điện tử tự động với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để tự động phân tích, đánh giá thông tin xác định trọng điểm, thông quan hàng hóa. Một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh của các Bộ, ngành hiện nay được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, hệ thống dịch vụ công của các Bộ, ngành chưa được kết nối và trao đổi thông tin với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để phục vụ quá trình giải quyết thủ tục hải quan và các thủ tục khác có liên quan.

Về thể chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đang áp dụng hiện nay được xây dựng trên nền tảng Hệ thống VNACCS/VCIS chưa phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin. Các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan chưa bảo đảm phù hợp với các hoạt động thương mại mới phát sinh (thương mại điện tử, mua bán qua các bên trung gian...).

Bên cạnh đó, chưa có cơ sở để triển khai dữ liệu số về hồ sơ trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan hướng tới quản lý thông tin điện tử tập trung bảo đảm việc giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan được quản lý theo chuỗi, xuyên suốt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối (trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan).

T.Công

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chia-khoa-giup-nganh-hai-quan-dap-ung-duoc-luong-viec-gia-tang-nhanh-chong-ky-2-hai-quan-dien-tu-nhung-ton-tai-han-che-can-khac-phuc-post507104.html