Chế độ dành cho nghệ nhân: Vẫn chưa hết rối

QĐND - Mới đây, dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đưa ra lấy ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu và các nghệ nhân. Tuy nhiên, dự thảo này còn quá nhiều vấn đề cần bàn...

QĐND - Mới đây, dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đưa ra lấy ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu và các nghệ nhân. Tuy nhiên, dự thảo này còn quá nhiều vấn đề cần bàn...

Chưa sát thực tế

Nhiều điều của dự thảo Nghị định này được cho là còn chưa sát thực tế khi các tiêu chuẩn để xét danh hiệu nghệ nhân dường như được “bê” từ quy định danh hiệu nghệ sĩ sang, chỉ nâng mức thời gian lên.

Điều 6 của Nghị định quy định, danh hiệu NNƯT phải có thời gian thực hành, phổ biến tri thức, kỹ năng di sản từ 20 năm trở lên. Với NNND phải được Nhà nước phong tặng là NNƯT 5 năm trở lên tính đến thời điểm đề nghị. Trong khi đó, quy định về Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú chỉ là 20 và 15 năm.

Phó GS, TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, thời gian quy định như trong Nghị định là quá dài, nên rút xuống là 15 năm, 20 năm thì hợp lý hơn. Đặc biệt chú trọng đến tài năng của người nghệ nhân chứ không phải ở thời gian thực hành nghề.

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ (ngoài cùng bên phải) đã bước vào tuổi 95 vẫn đi về giữa Hà Nội, Hải Dương để truyền dạy và biểu diễn cùng CLB Ca trù Thăng Long. Ảnh: VIỆT LAM.

Cũng bất cập trong việc lượng hóa thời gian, theo Điều 7 quy định là 5 năm (trước ngày Nghị định này có hiệu lực) để xét truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Điều này, theo nhiều đại biểu là không hợp lý. GS Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Tại sao 5 năm mà không phải 10 năm hay lâu hơn. Ông Cao Văn Lầu có những bài cải lương bất hủ, không ai có thể thay thế, nhưng lại mất mấy chục năm rồi, vậy không được phong nghệ nhân trong khi ông là cha đẻ của dân ca vọng cổ".

Thủ tục rườm rà

Điều 12 của dự thảo Nghị định quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu còn nặng tính hình thức khi quy định các tài liệu đi kèm gồm video, clip, ảnh mô tả, bằng khen..., chứng minh tri thức, kỹ năng và đóng góp của nghệ nhân đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trên thực tế, đa phần các nghệ nhân đã già, sức yếu, nhiều nghệ nhân là người dân tộc thiểu số có thể tiếng phổ thông còn không biết thì không thể có tài liệu lưu trữ theo yêu cầu hay có thể kê khai bảng thành tích.

Ông Lê Bá Cao 82 tuổi, hoạt động nghề nghiệp gần 70 năm, được Hội Văn nghệ dân gian công nhận nghệ nhân hát Văn năm 2012 chia sẻ: “Tôi đến hội thảo phải có cháu đưa đi vì rất yếu rồi. Thấy Nhà nước chuẩn bị xét đãi ngộ thì cũng mừng nhưng bảo làm hồ sơ như thế này thì chịu. Nhà nước xét thấy công lao của chúng tôi thế nào thì đãi ngộ cho phù hợp chứ chúng tôi cũng không dám đòi hỏi”.

GS Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Đặc thù khi làm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT là với đối tượng là những người lao động sáng tạo độc lập; họ không thuộc biên chế một tổ chức Nhà nước; vì thế, cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng”.

Với kinh nghiệm phong tặng danh hiệu NNND, GS Thanh cho rằng, cần để người dân bầu chọn danh hiệu này. Bởi nếu cứng nhắc, xét trên thủ tục thì sẽ dẫn đến khai man. “Kinh nghiệm là cứ đến làng này hỏi hát ví, dân họ nói ngay ông này. Đến làng khác hỏi hát ca trù, quan họ, người dân cũng sẽ cho biết ai là người lâu năm nhất thực hành di sản. Hội Văn nghệ dân gian đã phong tặng 320 nghệ nhân mà không có một khiếu nại nào cả nhờ cách làm này”.

Quan điểm này cũng được PGS, TS Đặng Văn Bài-Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đồng thuận. Ông Bài cho rằng: “Tiêu chuẩn cần thiết là cộng đồng suy tôn chứ không phải là “được mến mộ kính trọng” như trong nghị định”. Còn GS Hoàng Chương-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: “Qua những lần kiểm kê di sản, tự bản thân họ đã hội đủ các yếu tố trở thành nghệ nhân, đừng bắt họ phải làm những việc quá ghê gớm về thủ tục. Bên cạnh đó, cũng cần có hội, đoàn thể đứng ra giúp các nghệ nhân làm thủ tục vì phần lớn các nghệ nhân đều không sinh hoạt ở một cơ quan, đoàn thể, hội nào. Nên để cho các hội, đoàn thể đứng ra “bảo lãnh”, chịu trách nhiệm làm hồ sơ cho các cụ. Tương tự như việc phong Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú có các Hội giúp đỡ”.

Hy vọng các nghệ nhân-những báu vật nhân văn sống sớm có được chế độ đãi ngộ xứng đáng.

HÀ AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/238199/Default.aspx