Châu Thành: Cần liên kết '4 nhà' để nâng chất lượng trái thanh long xuất khẩu
Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An có 3.004ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đạt 150,2% kế hoạch, trong đó xây dựng mô hình điểm được 841,88ha, có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm.
Toàn huyện có 714,38ha thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 1.049 hộ tham gia trồng; thành lập 15 hợp tác xã, 143 tổ hợp tác tại các vùng triển khai chương trình; đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Châu Thành Long An cho trái thanh long;... Qua triển khai chương trình, nông dân quen dần với việc sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học.
Tuy nhiên, những năm gần đây, điệp khúc “được mùa, rớt giá” vẫn còn. Tình trạng này khiến nông dân chưa an tâm đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất. Mặt khác, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên thanh long không bán được hoặc bán với giá rẻ. Trong khi đó, các thành viên Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long) vẫn bán được thanh long với giá ổn định: Dao động 15.000-20.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, 20.000-30.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, tím hồng. Ông Phan Quốc Chinh (ấp Cầu Đôi) cho biết: “Tôi sản xuất 1ha thanh long, nhờ áp dụng theo quy trình GlobalGAP, được công ty rau quả Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu nên thu nhập tương đối ổn định”.
Từ mô hình Hội quán Cầu Đôi cho thấy, đây là mô hình sản xuất có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Thời gian tới, để áp dụng thành công mô hình này, song song với phát triển thanh long ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất GAP, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, Nhà nước cần vào cuộc để huy động doanh nghiệp cùng tham gia với nông dân, bao tiêu nông sản của nông dân.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 05/10/2020 của Huyện ủy về sản xuất thanh long phát triển bền vững, Huyện ủy ban hành nghị quyết về thực hiện công tác khuyến nông giai đoạn 2022-2025; UBND huyện ban hành kế hoạch bố trí nguồn lực đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, huyện có 300ha thanh long đạt chuẩn GlobalGAP, 3.000ha thanh long đạt chuẩn VietGAP và 5.500ha thanh long ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2022, huyện tập trung khảo sát, lập kế hoạch thực hiện vùng sản xuất thanh long, đào tạo tập huấn, phân tích mẫu đất, nước vùng sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho ban giám đốc và củng cố hoạt động của các hợp tác xã sản xuất thanh long trên địa bàn.
Để bảo đảm trái thanh long đạt chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu, không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngay từ bây giờ, nông dân phải thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Song song đó, ngành chức năng cần phải hoàn thiện thủ tục về nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch, mã số để truy xuất nguồn gốc trái thanh long, mã số kho,... nhằm sẵn sàng xuất khẩu theo đường chính ngạch khi có thị trường mới. Có như vậy, điệp khúc “được mùa, rớt giá” sẽ không còn./.