Chất tạo ngọt làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ

Tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng do tình trạng béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số chất tạo ngọt thường thấy trong thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ em.

Nội dung

1. Tiêu thụ chất tạo ngọt có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ

2. Cách hạn chế sử dụng chất tạo ngọt ở trẻ em

1. Tiêu thụ chất tạo ngọt có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ

Theo một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết tại San Francisco, California, việc tiêu thụ một số chất tạo ngọt thường thấy trong thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ em.

Nghiên cứu này bao gồm dữ liệu từ 1.407 thanh thiếu niên. 481 thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc chứng dậy thì sớm trung ương. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá lượng chất tạo ngọt mà thanh thiếu niên tiêu thụ thông qua các bảng câu hỏi đã được xác thực và xét nghiệm mẫu nước tiểu. Yếu tố di truyền được định lượng bằng cách sử dụng điểm số nguy cơ đa gene thu được từ 19 gene liên quan đến dậy thì sớm trung ương. Dậy thì sớm được chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm y tế, nồng độ hormone và siêu âm.

Họ phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ aspartame, sucralose, glycyrrhizin và đường bổ sung có liên quan đáng kể đến nguy cơ dậy thì sớm cao hơn, đặc biệt là ở trẻ em có một số đặc điểm di truyền nhất định. Trẻ vị thành niên tiêu thụ càng nhiều các chất tạo ngọt này nguy cơ dậy thì sớm trung ương càng cao.

Dậy thì sớm trung ương là một dạng dậy thì sớm đang ngày càng phổ biến. Nó có thể dẫn đến căng thẳng cảm xúc, chiều cao khi trưởng thành thấp hơn và tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và sinh sản trong tương lai.

Một số chất tạo ngọt phổ biến trong đồ uống có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ em.

Một số chất tạo ngọt phổ biến trong đồ uống có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ em.

Nghiên cứu này là được đánh giá là một trong những nghiên cứu đầu tiên kết nối thói quen ăn uống hiện đại - cụ thể là lượng chất tạo ngọt tiêu thụ - với cả yếu tố di truyền và sự phát triển dậy thì sớm trên một nhóm đối tượng thực tế quy mô lớn.

Nghiên cứu cũng làm nổi bật sự khác biệt giới tính về cách chất tạo ngọt ảnh hưởng đến bé trai và bé gái. Tiêu thụ sucralose có liên quan đến nguy cơ dậy thì sớm trung ương cao hơn ở bé trai và tiêu thụ glycyrrhizin, sucralose, đường bổ sung có liên quan đến nguy cơ dậy thì sớm trung ương cao hơn ở bé gái.

2. Cách hạn chế sử dụng chất tạo ngọt ở trẻ em

Hạn chế sử dụng chất tạo ngọt và đường bổ sung cho trẻ em là một việc rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe lâu dài của trẻ. Dưới đây là những cách hiệu quả cha mẹ có thể áp dụng vào chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ:

Dạy trẻ về thực phẩm lành mạnh

Giải thích về tác hại của việc ăn quá nhiều đường: Dùng ngôn ngữ dễ hiểu để giải thích cho trẻ rằng, ăn quá nhiều đường có thể làm răng bị sâu, béo phì và khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh sau này.

Làm gương cho trẻ: Trẻ em thường bắt chước hành vi và thói quen ăn uống của người lớn. Nếu cha mẹ có thói quen ăn uống lành mạnh, trẻ cũng sẽ dễ dàng học theo.

Tránh giữ đồ ngọt trong nhà: Nếu không có sẵn đồ ngọt trong tầm với, trẻ sẽ ít có cơ hội tiêu thụ chúng hơn.

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ để làm quen với vị ngọt tự nhiên.

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ để làm quen với vị ngọt tự nhiên.

Tập trung vào thực phẩm tự nhiên và nguyên chất

Trái cây tươi: Cung cấp vị ngọt tự nhiên, vitamin, chất xơ và khoáng chất. Thay vì nước ép đóng hộp hãy cho trẻ ăn trái cây nguyên miếng.

Rau củ: Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ để làm quen với vị ngọt tự nhiên, giảm phụ thuộc vào vị ngọt của đường.

Dùng nước lọc và sữa không đường: Tập thói quen cho trẻ uống nước lọc thay vì nước ngọt, nước trái cây đóng hộp hoặc trà sữa. Thay vì sữa có hương vị (dâu, sô cô la) thường chứa nhiều đường, hãy cho trẻ uống sữa tươi không đường.

TS. Francesco Branca, Giám đốc Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO

Chất tạo ngọt không đường không phải là yếu tố dinh dưỡng thiết yếu và không có giá trị dinh dưỡng. Mọi người nên giảm hoàn toàn đồ ngọt trong chế độ ăn uống, ngay từ khi còn nhỏ, để cải thiện sức khỏe.

Hạn chế thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn

Tránh nước ngọt có gas và nước ép đóng hộp: Đây là nguồn đường bổ sung khổng lồ.
Hạn chế bánh kẹo, bánh ngọt, kem...
Hạn chế sữa chua có đường và có hương vị.
Hạn chế các loại sốt và gia vị: Nhiều loại sốt cà chua, sốt kem, sốt BBQ cũng chứa một lượng đường đáng kể.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chat-tao-ngot-lam-tang-nguy-co-day-thi-som-o-tre-169250723183005428.htm