Chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng ngày càng nâng lên

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Phú đã phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng, đồng chí Trương Quốc Khánh - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Long Phú cho biết, thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng bắt đầu từ tháng 10-2018, thông qua việc áp dụng nhiều giải pháp khi thực hiện phương án thì chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện. Theo đó, nếu như đến ngày 31-12-2019, nợ quá hạn còn trên 3,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 1,19%; lãi tồn đọng trên 4,8 tỉ đồng; tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) xếp loại trung bình là 39 tổ, xếp loại yếu kém 6 tổ; đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã còn 6 xã xếp loại khá; đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp huyện 83,15/100 điểm, xếp loại khá; dư nợ bình quân 23,17 triệu đồng/hộ thì đến ngày 31-12-2020, nợ quá hạn đã giảm 995 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,41%; lãi tồn đọng giảm 117 triệu đồng; tổ TK-VV xếp loại trung bình còn 20 tổ, không còn tổ xếp loại yếu kém; đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã còn 2 xã xếp loại khá; đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cấp huyện 88,91/100 điểm, xếp loại tốt; dư nợ bình quân 24,8 triệu đồng/hộ.

Phóng viên: Đạt được những kết quả nêu trên, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt các giải pháp gì?

Đồng chí Trương Quốc Khánh: Đạt được những kết quả nêu trên thì đơn vị đã phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Theo đó, đơn vị đã tập trung phân tích và phân loại nợ ngay từ đầu năm, mời các hộ vay có nợ đến hạn trong năm lên địa điểm nhà sinh hoạt cộng đồng ấp để thông báo nợ đến hạn, trao đổi, bàn bạc cách thức trả nợ khi đến hạn. Vào các dịp lễ, tết, tập trung cán bộ ngân hàng, hội, đoàn thể huyện, xã, trưởng ban nhân dân ấp, tổ TK-VV đến nhà gặp gỡ các hộ đi làm ăn xa về, hỏi thăm sức khỏe, tình hình làm ăn và động viên trả nợ. Hộ ốm đau thường xuyên, chăn nuôi, trồng trọt bị dịch bệnh… đủ điều kiện xử lý rủi ro thì lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Song song đó, đơn vị luôn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác; củng cố, kiện toàn hoạt động của ban quản lý tổ TK-VV. Đồng thời luôn chú trọng nâng cao vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền. Chú trọng công tác cho vay được thực hiện bình xét chặt chẽ - vấn đề này thì ban quản lý tổ TK-VV, trưởng ban nhân dân ấp và hội, đoàn thể xã tiến hành kiểm tra, đánh giá phương án đề nghị vay vốn, kiểm tra tư liệu sản xuất, khả năng thực hiện phương án và lập biên bản đánh giá có chữ ký và cam kết của người vay trước khi họp bình xét cho vay. Chú trọng đến việc thực hiện chấn chỉnh, bố trí, phân công cán bộ cho phù hợp; nâng cao năng lực công tác của cán bộ phòng giao dịch. Thường xuyên tập huấn cho cán bộ là hội, đoàn thể nhận ủy thác, cán bộ giảm nghèo, trưởng ban nhân dân ấp, ban quản lý tổ TK-VV.

Phóng viên: Phát huy kết quả đạt được thì phương hướng thực hiện của đơn vị trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trương Quốc Khánh:Phương hướng thực hiện trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016 về việc ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 18-1-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang phòng giao dịch để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục, mức vay phù hợp; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, hàng năm giảm tối thiểu 10% nợ quá hạn và nợ khoanh so với thời điểm ngày 31-12-2020.

Củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của ban quản lý tổ TK-VV, kết hợp củng cố các tổ TK-VV theo cụm dân cư liền kề một cách triệt để. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra, kiểm soát nội bộ; đôn đốc hội, đoàn thể xây dựng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể, cán bộ giảm nghèo, trưởng ban nhân dân ấp và ban quản lý tổ TK-VV.

Phối hợp với cơ quan báo, đài, trạm truyền thanh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương, chính sách mới về quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/chat-luong-hoat-dong-chat-luong-tin-dung-ngay-cang-nang-len-49606.html