Chăn nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh: Nâng giá trị thương hiệu

Nhằm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà tại huyện Yên Thế, hơn hai năm qua ngành Nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên trên địa bàn không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn. Qua đó giúp bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, tạo thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chủ động phòng dịch

Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cat-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tháng 12/2020. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Mỗi lứa, gia đình ông Nguyễn Văn Vương, bản Xuân Môi, xã Xuân Lương nuôi 6 nghìn con gà bảo đảm ATDB.

Mỗi lứa, gia đình ông Nguyễn Văn Vương, bản Xuân Môi, xã Xuân Lương nuôi 6 nghìn con gà bảo đảm ATDB.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đơn vị đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho 480 lượt người tham gia; cấp phát 3 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, 4 nghìn lít hóa chất để huyện Yên Thế triển khai tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng; xét nghiệm mẫu và thực hiện giám sát dịch bệnh tại 30 cơ sở chăn nuôi gà đồi. Qua đó đã làm hạn chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tăng tỷ lệ sống của vật nuôi, giảm chi phí thú y, góp phần nâng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Tại xã Xuân Lương (Yên Thế), bình quân mỗi lứa hộ ông Nguyễn Văn Vương, bản Xuân Môi nuôi khoảng 6 nghìn con gà thương phẩm. Ông Vương cho biết: “Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình chủ yếu theo kinh nghiệm, tập quán cũ nên khi có dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nay với những kiến thức được cơ quan chuyên môn tập huấn, nguồn vắc-xin và hóa chất Nhà nước hỗ trợ, gia đình tuân thủ nghiêm kỹ thuật, quy trình chọn giống, sử dụng các loại vắc-xin tiêm phòng, thuốc điều trị bệnh theo hướng dẫn; thường xuyên tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và ghi chép sổ sách đầy đủ để theo dõi. Vì vậy đàn gà đều khỏe mạnh, gà xuất bán được gắn tem truy xuất nguồn gốc”.

Hiện cả 19/19 xã, thị trấn của huyện Yên Thế đều được công nhận là cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà. Cuối năm 2022, Cục Thú y đã cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên địa bàn huyện Yên Thế.

Chăn nuôi gà tại Yên Thế đã trở thành sản xuất hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện đạt hơn 2,7 triệu con. Ông Vũ Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết: “Yên Thế là huyện đầu tiên của miền Bắc được chứng nhận vùng ATDB, đây là cơ sở để phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng.

Ngoài chương trình hỗ trợ của tỉnh, hằng năm huyện thực hiện 2 đợt tiêm phòng vắc-xin chính, thường xuyên hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, làm sạch môi trường, hạn chế tối đa sự phát triển, lây lan của mầm bệnh”.

Các cơ sở chăn nuôi khi nhập gia cầm giống về nuôi phải bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng ATDB hoặc đã được xét nghiệm mẫu không có mầm bệnh. Người chăn nuôi được trang bị kiến thức nhận biết những biểu hiện lâm sàng bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà. Hiện 19/19 xã, thị trấn của huyện đều được công nhận là cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà. Cuối năm 2022, Cục Thú y đã cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên địa bàn huyện Yên Thế.

Tăng hiệu quả chăn nuôi

Gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ thương hiệu trên toàn quốc. Việc chứng nhận vùng ATDB đã góp phần nâng giá trị thương hiệu, tạo thêm niềm tin đối với người tiêu dùng. Sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên... Trong đó, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đã bày bán sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc xây dựng cơ sở ATDB có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi, tham gia tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, mở ra hướng phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2022, từ ngân sách tỉnh, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí mua 1,5 triệu liều vắc- xin cúm gia cầm và 2 nghìn lít hóa chất để phòng, chống dịch cho đàn gà tại 19 xã, thị trấn của huyện Yên Thế. Cùng đó, huyện thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với cơ quan chức năng huyện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; đôn đốc công tác phòng, chống dịch, tiêm phòng bảo đảm thời gian, tiến độ theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục còn hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm và mở rộng đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi đã được chứng nhận ATDB, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó, nhận thức của người chăn nuôi, cán bộ phụ trách công tác chăn nuôi thú y, chủ cơ sở buôn bán thuốc thú y, chủ cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn được nâng lên.

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện duy trì vùng ATDB đối với gà Yên Thế, để tiếp tục phát huy hiệu quả đề án, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường quản lý đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, hỗ trợ 1,5 triệu liều vắc-xin và 2 nghìn lít hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Tuy nhiên về lâu dài, để duy trì vùng ATDB sẽ gặp một số khó khăn như: Các quy định mới về nội dung đánh giá, lấy mẫu đối với vùng ATDB, trong đó số lượng mẫu lấy rất lớn, kinh phí cao nên khó duy trì khi không còn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Quyền lợi cho cơ sở ATDB chưa nhiều, chưa tạo sự khác biệt với cơ sở khác. Giá bán sản phẩm ATDB, sản phẩm tham gia các chuỗi liên kết chưa có sự vượt trội so với các sản phẩm thông thường. Các điều kiện về chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến chưa đáp ứng được các yêu cầu để tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ để việc triển khai các nội dung thuận lợi, bảo đảm mục tiêu của Đề án. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Yên Thế bố trí kinh phí duy trì thực hiện các nội dung sau khi đề án kết thúc; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở ATDB đã được chứng nhận để tạo động lực nhân rộng mô hình.

Được biết, năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục quan tâm giám sát phát hiện sớm ổ dịch và sự lưu hành của virus gây bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà tại huyện Yên Thế; cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Từ đó hỗ trợ tích cực cho việc thúc đẩy chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408908/chan-nuoi-ga-doi-an-toan-dich-benh-nang-gia-tri-thuong-hieu.html