Cấp tốc chuyển đổi số trên mọi mặt trận kinh tế
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn về tuyên truyền trên nền tảng số, mà còn góp phần giúp hoạt động hiệu quả hơn.
Không đứng ngoài cuộc, ngành thuế đã đặt ra mục tiêu áp dụng khoa học, công nghệ vào quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, Cục Thuế đặt mục tiêu đến năm 2026 cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); 100% chế độ báo cáo của doanh nghiệp (DN) được thực hiện điện tử; 100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện trực tuyến toàn trình.
Phó cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết Cục Thuế đã nghiên cứu, đánh giá toàn diện bộ TTHC hiện hành và xây dựng phương án cải cách mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý và hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhiệm vụ điện tử hóa toàn diện TTHC, Cục Thuế sẽ triển khai đầy đủ 100% các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với TTHC trong lĩnh vực thuế.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho tất cả các ngành trong kỷ nguyên số hiện nay - Ảnh: IT
Đẩy mạnh tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội... Tự động hóa quy trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả thủ tục thuế thông qua hệ thống phần mềm quản lý hiện đại.
Không chỉ số hóa quy trình làm việc, đối với nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa, thành phần hồ sơ, biểu mẫu, giấy tờ, Cục Thuế cũng sẽ rà soát, đánh giá toàn diện thành phần hồ sơ, biểu mẫu, giấy tờ trong từng TTHC thuế để xác định rõ những nội dung trùng lặp, không còn phù hợp hoặc đã có sẵn trong các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu nội ngành.
Trong cuộc đua chuyển đổi số, ngành ngân hàng Việt Nam đang tạo nên bức tranh sinh động giữa sáng tạo và thách thức. Đây được xem là lĩnh vực tham gia chuyển đổi số mạnh mẽ nhất. Hiện có trên 80% các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng chiến lược/kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số.
Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến tháng 9.2024, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Giao dịch TTKDTM tăng 58,52% về số lượng và 34,22% về giá trị; qua kênh internet tăng 49,45% về số lượng và 33,19% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 57,93% về số lượng và 35,54% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 107,76% về số lượng và 109,09% về giá trị…
Các ngân hàng cũng thúc đẩy nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ... Nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%.
Đại diện Ngân hàng TPBank cho biết hệ thống TPBank đã áp dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI một cách toàn diện trong hoạt động của ngân hàng. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại nhất giúp ngân hàng này tiết kiệm thời gian phát triển và vận hành các mô hình mới xuống còn 40%.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng MB cho biết MB đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống công nghệ thông tin với con số xấp xỉ 50 triệu USD/năm, phân bổ vào 3 lĩnh vực chính: Xây dựng hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và triển khai các dự án tự động hóa với 2.000 nhân sự công nghệ thông tin, chiếm 10% tổng nhân sự. Các công nghệ AI, Machine Learning (máy học), Deep Learning (học cấu trúc sâu) được tích hợp trong hoạt động chăm sóc khách hàng và vận hành nội bộ để tự động hóa các quy trình cung cấp dịch vụ và kiểm soát rủi ro...
Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank cho hay ngân hàng này đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng sử dụng AI và big data để cá nhân hóa trải nghiệm, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hiệu quả hơn. Vietcombank cũng đầu tư vào AI để phân tích dữ liệu khách hàng, tăng tỷ lệ phê duyệt tín dụng tự động.
Quan điểm xuyên suốt của các ngân hàng là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số, khi yêu cầu đặt ra là một người có thể đảm đương công việc của nhiều người trước đây. Ngân hàng đã sẵn sàng về công cụ, ý chí, mô hình và tổ chức để thực hiện những thay đổi này.
Cơ hội lớn là vậy nhưng khi chia sẻ về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đều cho rằng thách thức lớn nhất chính là việc phải có hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ đủ tốt để đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, thay đổi trong sở thích, thói quen khá nhanh chóng của khách hàng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho ngân hàng khi luôn phải tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới sản phẩm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và phong phú của khách hàng.
Về kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Ngân hàng, các TCTD cũng triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Hiện đã có hơn 56,8 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu thông tin sinh trắc học.
Với tư duy đổi mới và định hướng rõ ràng, kế hoạch đặt mục tiêu xây dựng nền công thương hiện đại, dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 70%...
Năm 2025, Bộ Tài chính cũng xác định sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Ví dụ như lĩnh vực hải quan đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các đơn vị; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển... Duy trì kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Chỉ thị số 07 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo.
Chỉ thị nêu rõ: Bộ Chính trị đã xác định "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trên, đòi hỏi các ngành, các cấp phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với xây dựng phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát huy tiềm năng của dữ liệu phục vụ cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cap-toc-chuyen-doi-so-tren-moi-mat-tran-kinh-te-231858.html