Cập nhật chính sách tiền tệ thế giới và tác động đến Việt Nam

Với bối cảnh đà tăng của USD/VND có chững lại nhưng vẫn loanh quanh ở vùng đỉnh, BSC cho rằng chỉ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tỷ giá mới có thể hạ nhiệt rõ rệt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tuần 27/5-31/5, Chứng khoán BIDV (BSC) đã có cập nhật về chính sách tiền tệ thế giới và đánh giá tác động đến Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, BSC cho biết, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 9/2023 và giữ lãi suất ở mức cao 5,25%-5,5% xuyên suốt 6 cuộc họp tiếp theo, đến tận hiện tại. Lý do chủ yếu đến từ việc lạm phát tại nước này vẫn còn dai dẳng và nền kinh tế Hoa Kỳ hiện tại được cho là vẫn đủ khỏe trong bối cảnh 2 năm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Fed vẫn chưa phát tín hiệu cụ thể về thời điểm sẽ hạ lãi suất và luôn nhấn mạnh cần thêm bằng chứng về việc lạm phát sẽ giảm bền vững. Bên cạnh đó, thị trường liên tục rời dự báo về thời điểm cơ quan này hạ lãi suất.

Theo công cụ Fedwatch, thị trường đã lùi dự báo thời điểm Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng từ tháng 3,4 xuống tháng 6,7 và xuống tháng 9/2024. Hiện tại, theo Fedwatch, thị trường dự báo xác suất 51% Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9. Khi xác suất giảm xuống dưới 60%, con số được cho là không còn đáng tin cậy. Nhìn chung, BSC đánh giá Fed đang cho thấy động thái vừa đi vừa dò trong điều hành chính sách tiền tệ, khi các yếu tố tương lai vẫn còn bất định.

Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 10/2023 và tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức đỉnh đến hiện tại. Tuy nhiên, ECB liên tục đưa ra tín hiệu sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 6/2024 vì lạm phát đã đã giảm xuống gần ngưỡng mục tiêu 2% và nền kinh tế vẫn còn yếu. GDP châu Âu chỉ vừa mới tăng trưởng dương nhẹ trở lại trong quý 1/2023 sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân (PBoC) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhiều lần hạ lãi suất điều hành và hiện tại đang giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, Chính phủ nước này đồng thời cũng đưa ra rất nhiều chính sách nới lỏng và những cam kết hỗ trợ để kích thích kinh tế trong nước như cung cấp các gói vay ưu đãi, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc...

Mới đây nhất, PBoC dự định khởi động chương trình tái cấp vốn 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ và khoa học. Tuy nhiên, phản ứng của nền kinh tế Trung Quốc đối với những chính sách này còn yếu ớt. Ngoài ra, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu tích cực khi doanh số bán nhà ở tại đây vẫn đang tăng trưởng âm.

Diễn biến lãi suất điều hành tại các quốc gia.

Diễn biến lãi suất điều hành tại các quốc gia.

Đối với khu vực ASEAN 5, ngoại trừ Việt Nam, các nước khác vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó Indonesia vẫn tiếp tục tăng lãi suất mới đây trong tháng 4, các nước khác thì duy trì lãi suất ở vùng đỉnh, tuy nhiên lãi suất điều hành đã cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh. Theo dự báo của các tổ chức tài chính, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024.

Hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục khuyến khích hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng gần đây. Điều này cho thấy NHNN vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

BSC đánh giá, bất lợi đối với Việt Nam là khi Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến trong khi NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đã và đang phản ánh rõ nhất vào tỷ giá USD/VND. Chỉ số giá dollar DXY-Index tăng kéo theo tỷ giá USD/VND. Tính đến hết tháng 4/2023, đồng VND đã mất giá hơn 4% so với thời điểm cuối năm 2023.

Diễn biến DXY-Index và USD/VND.

Diễn biến DXY-Index và USD/VND.

Để điều hành tỷ giá, NHNN đã khởi động lại kênh hút tiền trên OMOs kể từ ngày 11/3/2024 và bắt đầu bán ngoại tệ từ tháng 4/2024 . Kết quả, đà tăng của USD/VND có chững lại nhưng vẫn loanh quanh ở vùng đỉnh. BSC cho rằng chỉ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tỷ giá mới có thể hạ nhiệt rõ rệt.

Ngoài ra, rủi ro khó đoán từ các cuộc xung đột địa chính trị có thể dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy khiến các ngân hàng Trung ương gặp áp lực hơn trong việc bắt đầu và duy trì chu kỳ hạ lãi suất, từ đó cũng sẽ gây áp lực hơn cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cap-nhat-chinh-sach-tien-te-the-gioi-va-tac-dong-den-viet-nam-post35006.html