Cao tốc TP HCM - Mộc Bài: Thêm sự đồng thuận
Dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành phần 3 tăng 1.832 tỉ đồng từ việc thực hiện Luật Đất đai 2024
Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP HCM vừa có công văn khẩn gửi UBND huyện Củ Chi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Nhiều lợi ích về phát triển
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài được chia làm 2 giai đoạn đầu tư xây dựng.
Tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối TP HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài này dài trên 50 km với đoạn qua địa phận TP HCM hơn 24 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh hơn 26 km. Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỉ đồng.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Giai đoạn 1 của dự án là xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 là 6-8 làn xe. Về tiến độ thực hiện dự án thành phần 3, dự kiến dự án được phê duyệt vào tháng 1-2025. Từ tháng 4-2025, mặt bằng được bàn giao…
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 3 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) đi qua địa bàn 11 xã của huyện Củ Chi. Diện tích ảnh hưởng khoảng 182 ha, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi hơn 1.800 trường hợp.
Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố cho biết dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành phần 3 là 7.102 tỉ đồng, tăng 1.832 tỉ đồng so với khái toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 760/2024 là 5.270 tỉ đồng. Chi phí bồi thường tăng do thực hiện Luật Đất đai 2024.
Hỗ trợ tốt cho người bị ảnh hưởng
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Củ Chi biên soạn tài liệu tuyên truyền, vận động công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1). Thời gian thực hiện được ấn định trước ngày 5-9.
Tài liệu có nội dung về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, công trình được triển khai trên vùng đất dự kiến thu hồi; trình tự thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (theo Luật Đất đai 2024); lợi ích của hộ dân trong dự án về việc đồng thuận nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn…
Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố cũng đề nghị UBND huyện Củ Chi phối hợp hệ thống chính trị của huyện thành lập các tổ công tác tuyên truyền vận động người dân có nhà, đất bị ảnh hưởng đồng thuận cho đo đạc, kiểm đếm, cung cấp hồ sơ pháp lý trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thu thập hồ sơ pháp lý, xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 30-10.
Theo Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố, UBND huyện Củ Chi cần nghiên cứu bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc của dự án; đề xuất mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất bị thu hồi.
Tăng vốn bồi thường nhờ Luật Đất đai 2024
Liên quan công tác bồi thường các dự án lớn tại TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cho bảng giá đất điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Theo cơ quan này, giá đất tại bảng giá đất điều chỉnh có lợi cho người dân có đất bị thu hồi bởi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn, với số tiền được bồi thường cao hơn trước đây.
Đồng thời, các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ thực hiện theo đúng tiến độ, không bị ách tắc. Ngoài ra, theo sở này, qua phân tích, đánh giá tác động thì bảng giá đất điều chỉnh, bổ sung giá đất tái định cư giúp tránh tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm của TP HCM.
Chung nhận định, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Luật Đất đai 2024 có nhiều chính sách thuận lợi hơn cho người dân.
Theo ông Kiên, qua rà soát sơ bộ, một số dự án tăng tổng mức đầu tư liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Ví dụ như dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật; quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) dự kiến tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 13.800 tỉ đồng, tăng hơn 7.210 tỉ đồng so với chủ trương đầu tư đã được thông qua trước đây. Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 dự kiến tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 6.068 tỉ đồng, tăng trên 2.480 tỉ đồng so với chủ trương đầu tư từng được thông qua.
Ngoài ra, một số dự án khác tăng nhưng vẫn nằm trong tổng mức đầu tư và sẽ lấy trong chi phí dự phòng nên không phát sinh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cao-toc-tp-hcm-moc-bai-them-su-dong-thuan-196240830214742071.htm