Cảnh bẽ bàng khi nghệ sĩ hạng A Trung Quốc diễn ở sự kiện bình dân
Để duy trì nguồn thu nhập, nhiều ngôi sao hạng A Trung Quốc nhận lời diễn ở các sự kiện bình dân khi bước vào giai đoạn sa sút danh tiếng.
Nếu như những ngôi sao hạng A luôn được chào đón nồng nhiệt bằng thảm đỏ, tiếng reo của đám đông người hâm mộ, biểu diễn trên sân khấu hoành tránh từ âm thanh đến ánh sáng thì nghệ sĩ chuyên hát hội chợ không có được những đặc quyền như vậy, lắm lúc phải đối mặt với vô số cảnh trớ trêu.
Vài năm qua, không ít ngôi sao Hoa ngữ, nhất là các tên tuổi đã bước qua thời hoàng kim, xem việc biểu diễn tại các tụ điểm bình dân, sân khấu tỉnh lẻ là nguồn thu nhập chính.
Sự thờ ơ của khán giả
"Xin chào mọi người, tôi là sếp Triển trong Phi hổ của TVB", Mã Đức Chung giới thiệu danh tính khi diễn ở một sự kiện tại Đại lục. Kèm với màn chào sân, anh cầm súng, tạo dáng cảnh sát oai phong "cộp mác" nhân vật từng làm nên tên tuổi một thời.
Trái ngược với sự nhiệt tình của ngôi sao Hong Kong, bên dưới sân khấu, khán giả tỏ ra thờ ơ, người thì đánh bài, bấm điện thoại, người thì la ó, người lại nằm ngủ.
Thậm chí, khi nam diễn viên trình diễn xong cũng chẳng mấy ai quan tâm hay dành cho Mã Đức Chung một tràng pháo tay. Để tạo không khí tưng bừng và chuyển hướng chú ý của khán giả lên sân khấu, anh phải dùng đến "chiêu" rút thăm trúng thưởng và tặng quà là chữ ký và album mới nhất để "câu khách". Nhờ vậy, hai tiết mục còn lại của sao nam mới kết thúc trong bầu không khí sôi động.
Sau khi dứt áo rời TVB, Mã Đức Chung chuyển hướng phát triển sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tuổi tác ngót nghét ngoài ngũ tuần khiến anh không được trọng dụng.
Để duy trì cuộc sống, nam diễn viên phải chuyển sang biểu diễn trên các sân khấu bình dân. Theo Sina, giá cát-xê cho các show diễn thương mại của anh khoảng 3.000-9.000 USD, tùy thuộc vào số lượng tiết mục sẽ góp vui.
Từ Thiếu Hoa là nghệ sĩ quen mặt trong các show diễn hội chợ. Công chúng nhiều lần nhìn thấy nam nghệ sĩ tuổi ngoài 60 mặc áo cà sa, đóng vai Đường Tăng trình diễn nhưng ca khúc bất hủ trong Tây du ký như Dám hỏi đường ở phương nào, Nữ nhi tình.
So với các nghệ sĩ khác, Từ Thiếu Hoa có phần vất vả hơn, ông hiếm khi được biểu diễn ở sân khấu trong nhà. Nam nghệ sĩ thường xuyên phải chịu cảnh đội nắng, rong ruổi trên các tuyến đường biểu diễn phục vụ công chúng. Cực khổ là thế, nhưng trước áp lực của cuộc sống, sao gạo cội không thể không nhận show thương mại.
Vài năm gần đây, khi điện ảnh Hong Kong ngày càng ảm đạm cộng với việc đã bước sang tuổi trung niên, danh tiếng sa sút, những cái tên như Trần Tiểu Xuân, Lê Minh, Trương Vệ Kiện, La Gia Lương... đành tìm kế sinh nhai bằng nghiệp "cầm ca" ở các tụ điểm vui chơi giải trí.
Gánh trên vai trách nhiệm người đàn ông trụ cột trong gia đình, họ sẵn sàng xuất hiện ở các vùng quê hẻo lánh, sân khấu thậm chí được dựng tạm bợ ở bãi đất trống của một xí nghiệp.
Thù lao chênh lệch sau thời vang bóng
Trên Sohu, bầu show họ La cho biết show ca nhạc hội chợ, tụ điểm bình dân đa số là show có quy đầu tư nhỏ, thường được tổ chức tại những địa điểm có kinh tế trung bình.
Với dạng show này, thay vì mời những ngôi sao hạng A, họ sẽ lựa chọn các nghệ sĩ kém tiếng hơn hoặc tên tuổi từng nổi danh một thời, nhưng được khán giả nông thôn hay bình dân mến mộ để kéo khách và kiếm lời.
Tiêu Á Hiên thừa nhận diễn ở sân khấu tỉnh lẻ được xem là một trong những cách “kiếm cơm” phổ biến của giới nghệ sĩ. Dù không sang như hát ở sân khấu lớn, nhưng nếu chăm chỉ "cày", họ cũng có một khoản thu khá lớn.
Nhiều năm trở lại đây, Tiêu Á Hiên trở thành gương mặt "ngôi sao" chuyên biểu diễn ở các sân khấu tỉnh lẻ, hộp đêm, hội chợ hay những sự kiện thương mại bình dân như: khai trương, cắt băng khánh thành, mở bán nhà đất…
Theo QQ, nữ ca sĩ đã kiếm được bộn tiền từ những show này, nhờ đó cô có được cuộc sống dư dả, thoải mái. Giá cát-xê cho sự kiện cắt băng khánh thành và biểu diễn của cô lên đến 92.000 USD.
Cô Trương - người làm việc trong ngành tổ chức sự kiện cho biết giống như giới giải trí chính thống, giá cát-xê tại sân khấu bình dân cũng có tỷ lệ ăn chia phụ thuộc vào đẳng cấp, độ hot của nghệ sĩ và quy mô sự kiện.
"Có người nhận được vài chục nghìn USD như Tiêu Á Hiên, nhưng cũng có người chỉ nhận được vài trăm USD như Hà Gia Kính. Trong trường hợp này nữ được ưu ái hơn nam. Tiêu Á Hiên tuy tên tuổi đi xuống nhưng vẫn chưa giải nghệ, hơn nữa cô còn là cái tên có 'số má' tại các sân khấu bình dân, vì vậy mức cát-xê thuộc hàng cao. Trong khi đó Hà Gia Kính là ngôi sao đã rời showbiz nhiều năm. Dựa trên tuổi tác và độ hot, đơn vị tổ chức đương nhiên sẽ trả cho Tiêu Á Hiên cao hơn", cô Trương phân tích.
Theo Ifeng, sự kiện bình dân ở Trung Quốc cũng được phân cấp, được chia làm ba loại để phân tầng mức độ đầu tư cũng như tên tuổi của người nổi tiếng tham gia. Đây cũng là một trong những lý do vì sao cũng là diễn hội chợ hay sự kiện thương mại, nhưng mỗi nghệ sĩ lại có mức thù lao khác nhau, thậm chí còn chênh lệch lớn.
Cụ thể, sân khấu thương mại loại một là show có đầu tư, quy mô lớn. Đơn vị tổ chức có dư dả tiền bạc mời các ngôi sao hạng A đến biểu diễn và trả cát-xê cao.
Show loại hai là loại đầu tư nhỏ, quy mô không lớn và thường tổ chức ở các trung tâm thương mại. Cuối cùng là sự kiện loại ba thường được tổ chức ở vùng quê, nơi người dân có mức kinh tế trung bình. Với những sự kiện dạng này, bầu show sẽ mời ca sĩ bình dân, những tên tuổi hết thời và hiển nhiên thù lao cũng sẽ thấp hơn ít nhất 10 lần nếu so với sân khấu một.
Hát vì gánh nặng tài chính
Lý giải nguyên nhân sau thời oanh tạc showbiz, nhiều nghệ sĩ chấp nhận đi hát hội chợ, sự kiện bình dân để mưu sinh, Sina cho rằng điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu cơm ăn áo mặc trong cuộc sống.
Nói một dễ hiểu vì tiền mà nhiều người sẵn sàng vứt bỏ thể diện, rời bỏ danh xưng sao hạng A để diễn ở những nơi vốn trước nay được cho là chưa bao giờ dành cho họ.
Những Từ Thiếu Hoa, Mã Cảnh Đào hay La Gia Lương dẫu từng trải qua thời kỳ huy hoàng, có không ít tác phẩm đi vào hàng kinh điển, song khi đến tuổi xế chiều họ vẫn không thể đi ngược lại quy luật nghiệt ngã: bị đào thải và chẳng thể sống nổi bằng nghệ thuật. Để duy trì nguồn thu nhập, họ buộc lòng phải đi hát hội chợ, đám cưới góp nhặt từng khoảng cát-xê chỉ vỏn vẹn vài trăm USD.
Không chỉ dành cho nghệ sĩ ở tuổi xế chiều, sự kiện bình dân còn là sân chơi cho các ngôi sao không may dính bê bối, bị tẩy chay trong ngành giải trí chính thống.
Từng là diễn viên hàng đầu màn ảnh Hoa ngữ, sự nghiệp của Tôn Hưng sụp đổ sau khi dính vào án ma túy. Sau khi ra tù, anh bị cấm trở lại giới giải trí. Hiện tại, Tôn Hưng không quản vất vả xuất hiện ở các vùng quê xa xôi biểu diễn để kiếm tiền nuôi con. Theo Sina, thu nhập từ các buổi biểu diễn bình dân giúp anh có cuộc sống khá giả. Con trai anh thậm chí theo học trường quốc tế, có mức học phí 50.000 USD/năm.
Dù không lâm vào cảnh quá khó khăn tài chính, nhiều nghệ sĩ khác của giới giải trí Hoa ngữ như Trương Vệ Kiện, Thành Long hay Lê Minh vẫn nhận lời diễn sân khấu bình dân để tích lũy thêm thu nhập trong giai đoạn cơ hội kiếm tiền đang dần thu hẹp với họ.
"Với các tên tuổi trên, họ luôn xuất hiện ở vị trí vedette và được trả tiền hậu hĩnh. Cát-xê để mời họ không dưới vài chục nghìn USD. So với những sự kiện chính quy, tiền kiếm được nhiều hơn gấp 2-3 lần, lại nhẹ nhàng chỉ cần góp vui khoảng 30 phút là có thể về nghỉ ngơi. Trong khi đi sự kiện lớn mất đến mấy giờ, nhiều lúc còn chẳng được trả một đồng. Cho nên dại gì mà không gật đầu", bầu show họ La nói với Ifeng.
Bên cạnh nhiều nghệ sĩ biểu diễn tại các sự kiện bình dân để mưu sinh, cũng có một số trường hợp nhận show để lấp nỗi nhớ nghề như Hà Gia Kính. Theo Sina, các chương trình quy mô trung bình anh xuất hiện là nể tình thân hữu với một người bạn cũng như để bản thân được gần hơn với khán giả, chứ không nề hà thù lao cao thấp.