Cảng Cần Giờ tạo cơ hội phát triển hàng hải cho TP.HCM và khu vực

Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nhận nhiều phản biện 'nóng' về môi trường, tính khả thi.

Chiều 12/5, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của đại diện các Bộ ngành, các chuyên gia kinh tế, hạ tầng giao thông. Hãng tàu MSC - nhà đầu tư chính không tham dự.

Cơ hội lớn của logistics quốc gia

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do MSC - tập đoàn vận tải biển lớn trên thế giới cùng đối tác là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất.

Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận được tàu container trọng tải 24.000 TEU, công suất 10 - 15 triệu TEUs, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Phía tư vấn và nhà đầu tư mong muốn có thể triển khai thi công giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, hệ thống cảng biển đã góp phần rất lớn vào kinh tế, sự phát triển của thành phố. Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội đủ yếu tố để hình thành cảng biển cửa ngõ và cảng trung chuyển.

Cho nên đề án cần phải tiếp thu, phản hồi cụ thể các phản biện của cơ quan quản lý và đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.

Vị trí nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Quốc Quang

Dẫn chứng về tính khả thi của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) cho rằng, tốc độ tăng trưởng container toàn cầu luôn tăng từ 5-10% (trừ giai đoạn dịch Covid-19). Trong đó, MSC chiếm 18,2% tổng sản lượng toàn cầu, lượng hàng trung chuyển chiếm khoảng 30%. Trong giai đoạn khai thác lần đầu vào năm 2027, cảng Cần Giờ có thể đạt công suất 2,1 triệu TEUs, đến 2047 sẽ lấp đầy công suất 16,9 triệu TEUs. Nhà đầu tư đã cam kết sẽ phát triển cảng biển xanh, sử dụng các phương tiện chạy bằng điện để giảm thiểu tác động nguy hại cho môi trường.

Ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống người dân nuôi trồng thủy sản.

Trả lời PV Báo Giao thông, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, Sở đã có đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản khi triển khai dự án, các phương án trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, hiện chưa có các phản hồi chính thức.

“Đây mới chỉ là đề án trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi", vị này cho biết.

Phản biện về việc có nguy cơ cạnh tranh và làm suy yếu năng lực khai thác của cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Tuấn nói: “Cảng Cái Mép - Thị Vải không những không suy yếu mà còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi cảng Cần Giờ đi vào hoạt động. Bởi các hãng tàu lớn luôn có sự cạnh tranh, việc kết hợp giữa hàng trung chuyển và hàng xuất nhập khẩu giữa 2 cảng biển đối diện nhau sẽ thu hút thêm nhiều công ty logistics để có thể xử lý khối lượng hàng hóa khổng lồ.

TS. Trần Du Lịch đồng tình với nhận định của nhà đầu tư và đơn vị tư vấn về yếu tố cơ hội thị trường. Theo TS. Trần Du Lịch, lần này là cơ hội rất quan trọng, làm sao nhanh nhất không mất cơ hội. "Chúng ta không nên suy nghĩ Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu, còn Cần Giờ là của TP.HCM. Nên xem cả 2 cảng này là 2 bộ phận cấu thành tổng thể của cảng biển Đông Nam bộ để dễ dàng tiếp cận vấn đề", ông Lịch nói.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, vấn đề môi trường Cần Giờ rất nhạy cảm, phải làm sao làm được cảng nhưng phải giữ được môi trường.

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển kiến nghị TP.HCM phê duyệt sớm đề án để giữ chân nhà đầu tư và đưa dự án vào danh mục trọng điểm trong năm nay và những năm tới. Dự án không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM mà còn là vấn đề quốc gia bởi đây là cảng trung chuyển riêng biệt đầu tiên của cả nước.

Dự án đe dọa khu dự trữ sinh quyển nhưng thiếu nhiều căn cứ

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về tính khả thi của dự án cảng Cần Giờ, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nhận định, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tác động rất lớn đến môi trường địa phương. Mặt khác, dự án còn thiếu nhiều căn cứ khả thi do hạ tầng giao thông không đồng bộ. Cụ thể, địa hình Cần Giờ bị kẹt bởi khu sinh quyển thế giới đã công nhận. "Giao thông đường bộ từ các hướng đến Nhà Bè đã khó, ùn tắc thường xuyên thì làm sao tính chuyện mở rộng để hướng về Cần Giờ và ngược lại", ông nói.

Tham dự hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng, những vấn đề tác động đến môi trường, dân cư của dự án cảng Cần Giờ phải có luận chứng rõ hơn, cụ thể hơn. Khi nạo vét phải triển khai hàng triệu mét khối, nguy cơ trượt đất, đe dọa khu dự trữ sinh quyển. Phải nghiên cứu lại luận chứng cụ thể. “Không thể nói là ảnh hưởng ít như một số đại biểu nói được. Đất nước chúng ta có đầy nhưng công trình xây xong không để làm gì, các dự án hoành tráng bỏ không. Những câu chuyện đã xảy ra ở Thủ Thiêm, Củ Chi, Hóc Môn còn đó, chúng ta phải chịu trách nhiệm với con cháu, thế hệ sau chứ không phải hưng phấn, thúc đẩy làm nhanh hơn nữa khi còn thiếu nhiều căn cứ”, ông Hòa nhìn nhận.

Hội thảo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP.HCM nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế, giao thông

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương trăn trở: “MSC dự kiến nguồn hàng đem về như thế nào? Nguồn hàng từ đâu, có cam kết đảm bảo hay không? MSC cần thể hiện rõ cam kết này để đánh giá”.

Bên cạnh đó, cơ chế hải quan đối với hàng trung chuyển là vấn đề lớn trước khi tiến hành xây dựng cảng Cần Giờ. Để thông thoáng, không thể đem tư duy hàng hóa vào Việt Nam là phải kiểm soát gắt gao và tránh lập lại tình huống như trước đây 4 doanh nghiệp vận tải hàng hóa quá cảnh qua Campuchia đã bức xúc kiến nghị.

GS. TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM cho rằng, địa chất cù lao Phú Lợi chưa được đánh giá cụ thể. Việc nạo vét 30,5 triệu mét khối ở biển sẽ tác động rất lớn đến nuôi trồng thủy sản, thay đổi dòng chảy tại địa phương. Do vậy, quy trình xử lý ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển ra sao cần phải làm rõ qua đánh giá tác động môi trường.

Đáp lại nhiều ý kiến phản biện của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (PortCoast) cho biết, PortCoast đã nghiên cứu cụ thể bằng những công nghệ hiện đại nhất khi khảo sát địa chất và phương án xây dựng cảng Cần Giờ. “Chúng tôi mong mỏi có cơ hội mời lãnh đạo thành phố và các chuyên gia lắng nghe phản biện trong dịp sớm nhất để có thể thuận lợi trình chiếu, giải đáp các ý kiến đóng góp”.

Minh Quang

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cang-can-gio-tao-co-hoi-phat-trien-hang-hai-cho-tphcm-va-khu-vuc-d590689.html