Cần quan tâm đúng mức đến quản lý nguồn 'nước mặt' phục vụ sản xuất nước sạch
Từ thực tiễn tại Hà Nội sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý 'nước mặt' trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Sáng 14-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã báo cáo tóm tắt 7 vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Với ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: Khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước.
Trước ý kiến đề nghị luật hóa thiết chế điều phối liên ngành quản lý tổng hợp lưu vực sông; làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông; cơ chế hoạt động, điều hòa, phối hợp, tổ chức, nguồn lực cho hoạt động của tổ chức lưu vực sông… Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng, quy định về tổ chức lưu vực sông không phải là nội dung mới vì đã được quy định ở Luật Tài nguyên nước hiện hành.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước trên các lưu vực sông rất lớn, xung đột lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng nước gia tăng; bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm các dòng sông ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với các sông chảy qua khu vực đô thị nên cần tiếp tục duy trì, tăng cường trách nhiệm tổ chức lưu vực sông để theo dõi biến động tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác sử dụng nước; điều tiết các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên toàn lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội theo vùng; phối hợp với chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến các sông liên tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý "nước mặt", vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Từ bài học của thành phố Hà Nội, sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt, trong khi không có hệ thống quan trắc để giám sát an toàn nguồn nước, nên khi gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn nguồn nước. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần điều chỉnh bổ sung quy định quản lý nước mặt.
Nhấn mạnh việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm tuần hoàn nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những trường hợp để bảo đảm theo yêu cầu tuần hoàn nước thì lại không bảo đảm hiệu quả của nhà đầu tư, nhưng vẫn phải làm để bảo đảm tổng thể hiệu quả về kinh tế - xã hội. “Nếu chỉ nói tiết kiệm và hiệu quả không thôi thì doanh nghiệp sẽ không làm”, đồng chí Vương Đình Huệ nói và đưa ra ví dụ về dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) không tuần hoàn nước sau xử lý nên giá thành xây dựng nhà máy tăng cao.
Bên cạnh đó, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng quản lý tài nguyên nước hiện nay chủ yếu qua giấy phép (tiền kiểm), do đó đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm để người dân có thể tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8-2023) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2023-2026.