Cần liên kết đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống cây
Năm 2022, chỉ có 9% đơn vị đạt yêu cầu về giấy phép kinh doanh, minh chứng nguồn gốc cây giống và điều kiện đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam".
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp, với sự gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng.
Năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn quả đạt 1.221,4 nghìn ha, với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Dự kiến cuối năm 2023, xuất khẩu cây ăn quả ước đạt 5 tỷ USD”.
Nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngành này, nhiều đề án và quyết định đã được triển khai. Trong đó, một số bước đi quan trọng về xây dựng chính sách là việc phê duyệt “Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực và định hướng rải vụ tại miền Nam”, Đề án “Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030”, cùng với đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả ở vùng Tây Bắc”. Quy trình sản xuất và hướng dẫn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Song song với đó, hai điều kiện đặt ra về sản xuất giống cây ăn quả gồm giống cây trồng phải đạt yêu cầu; vườn đầu dòng cây ăn quả phải được thẩm định và công nhận. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa nắm bắt đầy đủ các điều kiện cần thiết, dẫn đến chất lượng cây trồng chưa đảm bảo, công tác kiểm tra, thanh tra cũng cần được cải thiện.
Năm 2022, chỉ có 9% đơn vị đạt yêu cầu về giấy phép kinh doanh, minh chứng nguồn gốc cây giống và điều kiện đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, thực trạng cây giống kém chất lượng, thiếu kiểm soát vẫn còn tồn tại. Các nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả chưa có công nghệ đột phá là thách thức lớn. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh đề xuất các đơn vị trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần hợp tác chặt chẽ, nâng cao năng lực quản lý, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển giống cây ăn quả để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, và tăng cường hiệu suất sản xuất trong lĩnh vực này.
Đứng từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Nafoods đề xuất Cục Trồng trọt cần hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để doanh nghiệp có thể tự công bố lưu hành cây giống, từ đó tăng cường khả năng chủ động của doanh nghiệp trong việc quản lý giống cây.
Hiện trên thị trường cây giống, đặc biệt là cây ăn quả, vẫn tồn tại hiện tượng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp không đầu tư máy móc, công nghệ mà lại sử dụng các phương thức kiểm nghiệm thông thường dẫn đến giống không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường - đây là tình trạng đáng báo động.
“Cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Từ từ 2020-2022 mặc dù đã có sự tăng cường với 120 giống, nhưng nhìn chung số lượng giống được công nhận còn rất ít”, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả, Cục Trồng trọt, cho biết..