Cần kiểm soát giá nhà nếu tăng lợi nhuận làm NƠXH
Các chuyên gia cho rằng, để việc tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội không ảnh hưởng đến giá bán ra, cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc tháo gỡ các rào cản về thủ tục và cơ chế.
Tại diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản”, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích để tăng lợi nhuận nhưng không tăng giá bán nhà ở xã hội, cần phải có những chính sách đặc thù nhằm rút gọn thủ tục hành chính, đồng thời có các quỹ ưu tiên.
Hiện nay, Nhà nước và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, với những mục tiêu đưa ra trong Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, nhiều người kỳ vọng sẽ sở hữu một ngôi nhà phù hợp với điều kiện thu nhập thấp. Tuy nhiên, những rào cản hiện hữu về cơ chế, thủ tục kéo dài đã khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khi xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Lê Thành cho biết: “Thường với mỗi một chỗ vướng mắc, chúng tôi mất thời gian xử lý từ 3-5 tháng, cộng lại có thể lên 3-5 năm là chuyện bình thường. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng, cần có quy chế rõ ràng để giải quyết những vấn đề, những dự án vướng mắc nhanh chóng, ít nhất trong vòng 1-2 năm phải xong”.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, đề xuất nâng mức lợi nhuận cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ 10% lên mức tối đa 13% trên tổng chi phí xây dựng. Việc tăng mức lợi nhuận này giúp chủ đầu tư có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, hạn chế tình trạng trì hoãn và giúp người dân sớm tiếp cận nhà ở. Bên cạnh việc mở rộng nguồn cung, lợi nhuận cao hơn cho chủ đầu tư còn góp phần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn chính phủ cho rằng: “Những ai là chủ dự án đã lập dự án rồi thì phần lợi nhuận của doanh nghiệp - Nhà nước đã tính hẳn lên là 13% để cộng vào giá bán của dự án. Như vậy, đây là gói 'bảo kê' của Nhà nước để doanh nghiệp đã làm nhà ở xã hội là không lỗ, ít nhất có lãi 13%”.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên thì giá nhà bán ra cũng sẽ tăng theo. Do vậy, để khống chế giá nhà, giúp người dân được hưởng lợi, các chính sách liên quan đến dòng vốn và cơ chế đặc thù là rất quan trọng.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị quyết để trình Quốc hội về các cơ chế chính sách này. Trong đó, câu chuyện về nguồn vốn phải có một nguồn quỹ phát triển nhà ở để dành phát triển NƠXH. Bên cạnh đó cũng phải cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ đầu tư”.
Để việc tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội không ảnh hưởng đến giá bán ra, cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc tháo gỡ các rào cản về thủ tục và cơ chế. Ngoài ra, cần triển khai các gói hỗ trợ lãi suất vay cho người mua nhà, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính dự án nhà ở xã hội từ 5 năm xuống còn 1 năm để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tìm cách tối ưu chi phí xây dựng, cắt giảm các hạng mục không cần thiết.