Cần đánh giá đầy đủ thực trạng rừng, tăng cường bảo vệ và phát triển rừng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng… Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia phát biểu với nội dung như sau:

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: PT

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: PT

Trước hết tôi xin được thay mặt đồng bào Quảng Trị, miền Trung bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã dành sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ quý báu đối với đồng bào miền Trung, Quảng Trị trong cơn hoạn nạn thiên tai, lũ bão vừa qua. Sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ ấy là động lực vô cùng to lớn để người dân miền Trung vượt lên gian khó, mất mát, đau thương để tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía trước với niềm tin, hy vọng, bản lĩnh và sự can trường: “Đừng than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, tôi xin phát biểu mấy vấn đề sau:

1. Nhìn lại cơn “đại hồng thủy” vừa qua, khi mà miền Trung phải oằn mình liên tiếp chịu đựng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên mà hậu quả là vô cùng to lớn cả trước mắt và về lâu dài. Và do đó, cần định vị cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho khu vực và cả nước trong bối cảnh mới này.

Lý giải những bất thường về lũ, bão vừa qua đã có “lát cắt” về nguyên nhân thiên tai rằng: Do biến đổi khí hậu, hậu quả về hình thái phức tạp, nắng hạn quá lâu ngày, đất bị nung khô gặp mưa lớn, kéo dài, lượng mưa kỷ lục, độ ẩm đất mái dốc tăng nhanh, sức kháng cắt của khối đất giảm đi nên đồi núi sạt lở; ngập úng lớn, dài ngày. Nhưng chắc chắn có thể nhận ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên, tấm lá chắn chắc chắn an toàn của “mẹ thiên nhiên” trước thiên tai ngày càng dữ dội.

Câu chuyện hủy hoại rừng không còn là chuyện mới, song nhìn lại lũ lụt, sạt lở ở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau. Cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng khác, hàng chục ngàn héc ta rừng đầu nguồn mất đi. Chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng; nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi. Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp… Mất rừng, mất đất, tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn là nguyên nhân “kích hoạt” cho lũ quét và sạt lở đất, cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn.

Sẽ là quá muộn nếu Chính phủ không kiên quyết chỉ đạo tiếp tục tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt về chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ rừng; tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ, bền vững; không vì lợi ích trước mắt, ngắn hạn mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng, dài lâu về môi trường, về khả năng chống chịu mưa, bão, lũ lụt như vừa qua. Theo đó, Quốc hội cần tăng cường các cuộc giám sát tối cao, có quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

2. Qua đợt lũ lịch sử này cần nhìn lại tổng quát về chiến lược phát triển kinh tếxã hội cho vùng chịu nhiều tác động thiên tai để phát triển bền vững, phải có những ứng xử chủ động, sáng tạo, tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Trong quy hoạch và kế hoạch phát triển nhất thiết phải giải quyết cho được vấn đề phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, khả năng ứng phó, thích nghi của người dân với thiên tai và biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nhanh chóng, kịp thời. Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc, phòng chống thiên tai đồng bộ. Các cơ quan quản lý, các nhà khoa học ở trung ương cần đánh giá, giúp cho địa phương quy hoạch lại vùng bố trí dân cư, nhất là di dời dân và quy hoạch cho vùng dân cư miền núi bị ảnh hưởng của sạt lở đất một cách ổn định và bền vững. Nâng cao năng lực hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm nguồn nhân lực huy động trong các tình huống khẩn cấp phục vụ tìm kiếm cứu nạn đáp ứng nhanh, hiệu quả cũng như năng lực thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai. Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, trong đó chú trọng trồng, phục hồi rừng tự nhiên ở vùng miền núi góp phần giảm lũ và chống sạt lở đất.

Thực tế mô hình “gian nhà tránh lũ” vừa qua, bên cạnh “nhà tránh lũ cộng đồng” đã phát huy hiệu quả, nhờ đó đã giúp người dân giữ được sinh mạng và của cải nên cần được nghiên cứu đánh giá để xây dựng thành chương trình“gian nhà tránh lũ” đối với vùng ngập sâu đủ cho mỗi hộ gia đình tránh lũ. Mỗi hành động kiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu có hy sinh một phần về kinh tế trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ giành lại sự sống an toàn, mưu sinh cho hàng chục triệu người dân miền núi và vùng hạ du để không phải lặp lại thảm cảnh cứ mỗi mùa mưa bão đến.

3. Đã nhìn thấy rõ tiềm năng to lớn để có thể biến nắng, gió và tiếp cận nguồn khí thiên nhiên để xây dựng, phát triển Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung. Đến nay, Quảng Trị đã có 88 dự án điện gió được nghiên cứu với tổng công suất 4.400MW. Theo đó, Quảng Trị cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trạm biến áp và đường dây truyền tải 500 KV giải tỏa nguồn năng lượng này trình Thủ tướng, Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh theo tinh thần xã hội hóa. Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kính mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục quan tâm ủng hộ sớm phê duyệt.

Quảng Trị có lợi thế để tiếp nhận nguồn khí thiên nhiên để phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí khi Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh chỉ cách mỏ khí Kèn Bầu khoảng 65km (khoảng cách ngắn nhất) sẽ rất thuận tiện, đón dòng khí tiếp bờ tại đây. Những năm qua, Quảng Trị đã tập trung quy hoạch, đẩy nhanh kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, chuẩn bị các điều kiện để đón các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án, trong đó ưu tiên cho các dự án năng lượng điện khí.

Tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ tỉnh đã định hướng phát triển công nghiệp năng lượng làm mũi đột phá. Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để mỏ khí Kèn Bầu được tiếp bờ tại Quảng Trị như là món quà tri ân dành cho mảnh đất đau thương, hy sinh mất mát lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, là động lực giúp Quảng Trị vươn lên khi mà địa phương giờ đây là tỉnh khó nhất trong khu vực nên cần nhiều sự quan tâm này của Trung ương, để dòng khí từ mỏ khí Kèn Bầu tiếp sức để Quảng Trị vững bước đi lên. Vì vậy, tại diễn đàn Quốc hội hôm nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xin thay mặt Nhân dân Quảng Trị tha thiết thỉnh cầu Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chia sẻ sâu sắc mà dành cho Quảng Trị cơ hội ngàn vàng này để Quảng Trị có cơ may thoát khỏi “khó khăn bền vững” vươn lên cùng bạn bè cả nước.

4. Chỉ còn một kỳ họp nữa là Quốc hội khóa XIV sẽ kết thúc với nhiều thành công, dấu ấn nhiệm kỳ. Song, vẫn còn đó những vấn đề mà cử tri tin tưởng trao gửi cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành, trong đó còn một số vụ việc, vụ án có dấu hiệu oan sai mà Nhân dân quan tâm, đại biểu Quốc hội kiến nghị giám sát giải quyết dứt điểm. Vì vậy, tôi kính mong Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội rà soát lại những vụ việc còn tồn đọng để tập trung chỉ đạo giám sát, kết luận, kết thúc ngay trong nhiệm kỳ này như lời hứa danh dự trước Nhân dân: Quốc hội lắng nghe, Quốc hội thấu hiểu, Quốc hội hành động vì Dân!

Phương Thanh (tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153009