Cần đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá cả hợp lý
Tuần này, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung làm 'nóng' nghị trường và được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Bất cập trong quy hoạch quỹ đất triển khai dự án nhà ở xã hội
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.
“Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Trao đổi bên lề kỳ họp về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn thành phố Cần Thơ) nhấn mạnh: “Qua giám sát tại các địa phương, tôi cho rằng, khó khăn nhất mà các địa phương gặp phải khi triển khai các dự án nhà ở xã hội là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Mặc dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là quy định về quy trình, thủ tục, quy hoạch… nên trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, đa phần các địa phương gặp nhiều khó khăn về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là quy hoạch quỹ đất triển khai dự án nhà ở xã hội; cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội”.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra hiện tượng mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu bất động sản, về cơ cấu các bất động sản đưa ra thị trường. Chúng ta đang cung cấp ra thị trường quá nhiều sản phẩm ở phân khúc bất động sản cao cấp; giá cao nhưng lại rất thiếu bất động sản có mức giá trung bình, phù hợp với người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho người lao động.
“Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý trong việc quy hoạch quỹ đất cho từng loại dự án, ban hành cơ chế ưu đãi để có các dự án hài hòa ở những phân khúc dự án mà đa số người dân đang cần. Hơn nữa, cơ chế bán nhà vẫn đang tập trung bán cho người dân mà chưa khai thác các hình thức khác như thuê mua, thuê nhà ở xã hội”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cần bổ sung quy định tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội
Cũng bày tỏ quan điểm về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phân tích: “Tôi cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, về cơ bản những vướng mắc thời gian qua đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh khi chúng ta tiếp tục thực hiện các luật có liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Bởi, những quy định mới và văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện vẫn còn ít nhiều vướng mắc. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần rà soát các quy định liên quan đến chính sách, pháp luật; nếu có vướng mắc về thể chế, chính sách thì tiếp tục đề nghị tháo gỡ, sửa đổi”.
Còn đối với những vướng mắc không phải do thể chế mà do khâu tổ chức thực hiện, theo bà Nga, cơ quan chức năng cũng cần rà soát để thấy rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi gây nên khó khăn đó.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chỉ rõ, về xây dựng nhà ở xã hội, do lâu hoàn vốn nên hiện nay nhiều chủ đầu tư vẫn chưa “mặn mà”. Bên cạnh đó, có thực trạng nhiều dự án nhà ở xã hội còn chưa nghiệm thu nhưng người dân đã rao bán. “Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra thì chắc chắn sẽ phát hiện những người không thuộc đối tượng ưu đãi mà vẫn được mua nhà ở xã hội”, bà Nga nói.
Theo nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, có thực trạng này là do các nguyên nhân như: Sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Do vậy, bà Nga đề xuất, cần bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội, để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
“Luật Nhà ở đã được thông qua và sắp tới sẽ thông qua Luật Công đoàn sửa đổi; trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền làm chủ đầu tư để phát triển nhà ở cho công nhân. Khi Luật Công đoàn sửa đổi được thông qua, chúng tôi mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động sẽ sớm triển khai và triển khai tích cực để vấn đề này đạt hiệu quả tốt nhất. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề có nhà ở cho công nhân, nhất là ở những thành phố lớn, những khu công nghiệp...”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm.
Trong thời gian tới, bà Nga cho rằng, các địa phương cần quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội được xây dựng bằng nguồn ngân sách để hướng đến mục tiêu nhà ở xã hội cho thuê, thay vì nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê mua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ: “Thực tế, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều người là người nghèo, thu nhập thấp chia sẻ rằng, số tiền họ kiếm được hàng tháng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình với mức sống eo hẹp. Vì vậy, nếu có được ưu đãi về lãi suất để mua nhà ở xã hội thì họ cũng không dám mua vì không trả được. Do vậy, giải pháp căn cơ để người thu nhập thấp có nơi an cư, lạc nghiệp, tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá cả hợp lý, như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng của số đông người lao động”.
Trong khi đó, Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách để thu hút nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội, được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội. Trong đó, chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Đồng thời, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội.