Cần có giải pháp khả thi hợp với vị thế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Ngày 8/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị ...

Các đại biểu dự tại điểm cầu Phú Thọ

Các đại biểu dự tại điểm cầu Phú Thọ

(baophutho.vn)

- Ngày 8/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020” (gọi tắt là Nghị quyết 37-NQ/TW) bằng hình thức trực tuyến.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí: Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW; Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW.

Vùng trung du miền núi Bắc Bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước gồm 14 tỉnh trực thuộc trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, được đánh giá là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây của quốc gia; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ, là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, toàn diện và nổi bật cả về tự nhiên và văn hóa.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, phần lớn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đã hoàn thành và vượt kế hoạch; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nghị quyết 37-NQ/TW đã có tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn đối với kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Tại hội nghị, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng Đề cương cần tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, về bảo đảm quốc phòng, an ninh, về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, giai đoạn 2004-2020 cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp về phát triển vùng được đề ra trong Nghị quyết 37-NQ/TW, Kết luận 26-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW… so sánh với các mục tiêu, chỉ tiêu trung bình toàn quốc và các chỉ tiêu của các vùng khác trong cùng giai đoạn.

Một số ý kiến cho rằng, Đề cương Báo cáo cần bổ sung một thêm số chỉ tiêu như đánh giá sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chỉ tiêu phát triển con người, mức độ phục vụ của đội ngũ cán bộ; đồng thời chỉ ra một số khó khăn làm báo cáo do các địa phương không có kết quả tham chiếu để so sánh về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của mỗi địa phương với mặt bằng chung của vùng, liên vùng, của toàn quốc đề nghị Ban Chỉ đạo có hướng dẫn cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; việc tổng kết, đánh giá cần khách quan, nghiêm túc, phản ánh đúng thực tiễn, rút ra được những mặt đạt được, bài học kinh nghiêm, những mặt chưa đạt được; đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp khả thi phù hợp với vai trò, bối cảnh vị thế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và xu thế phát triển của các địa phương trong vùng, toàn vùng và cả nước trong thời kỳ mới; phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội vùng tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời là cơ sở quan trọng để các địa phương hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu đối với Dự thảo Đề cương báo cáo, yêu cầu Tổ biên tập tổng hợp, hoàn thiện Đề cương Báo cáo trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/202106/can-co-giai-phap-kha-thi-hop-voi-vi-the-cua-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-177541