Cần cơ chế đặc thù để người dân mua xăng dầu thuận tiện

Xăng dầu là nhu cầu thiết yếu, thường nhật của người dân. Tuy nhiên, có một thực tế ở thủ đô Hà Nội thời gian qua là dân số tiếp tục tăng, kéo theo nhu cầu năng lượng là xăng dầu tăng theo, nhưng mạng lưới và số lượng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn lại giảm. Điều này khiến người tiêu dùng gặp trở ngại mỗi lần đi mua hàng thêm quãng đường xa, thời gian xếp hàng thêm lâu.

Số lượng cây xăng thưa dần

Trong câu chuyện chia sẻ về kỷ niệm đi mua xăng cho chiếc xe của mình, anh Trịnh Minh Hoàng (phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi khi xe hết xăng, chỉ cần đi vài trăm mét ra bến xe Kim Mã cũ là có thể đổ đầy bình. Tuy nhiên, vị trí cây xăng này đã được thay thế bằng công trình xây dựng khác, khiến vài năm nay tôi phải lên phố Nguyễn Tri Phương (Ba Đình) mua xăng. Nhưng rồi cây xăng đó nay cũng đã đóng cửa, tôi lại phải đi quảng đường 4 - 5km mới mua được bình xăng. Đối với tôi đó là quãng đường khá xa, mất nhiều thời gian đi lại giữa đường phố đông đúc của Hà Nội.

Còn chị Ánh (chung cư Eco home, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) thì chia sẻ, hàng ngày chị đi làm từ nhà lên cơ quan tại quận Hoàn Kiếm trên đê ven sông Hồng, phải đi khoảng 7km mới đến cây xăng góc phố Hàng Bún - Yên Phụ. Hôm nào đồng hồ xe báo hết xăng, thì không dám đi tuyến đường quen thuộc, chị phải đi ra phía phố Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) để đổ xăng, rồi đi đường vòng lên cơ quan, mất thêm thời gian và quãng đường di chuyển.

Cảnh xếp hàng đông đúc, xe mua hàng gây cản trở giao thông diễn ra hàng ngày trên đường Yên Phụ, quận Ba Đình

Cảnh xếp hàng đông đúc, xe mua hàng gây cản trở giao thông diễn ra hàng ngày trên đường Yên Phụ, quận Ba Đình

Theo Sở Công thương TP. Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 483 cửa hàng xăng dầu (trong đó có 25 cửa hàng đang tạm thời ngừng kinh doanh để cải tạo sửa chữa, hoàn thiện phương án sử dụng đất…). Cụ thể, có 121 cửa hàng thuộc các Công ty có vốn nhà nước, chiếm 25% số cửa hàng và cung cấp trên 50% sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên toàn thành phố; có 131 cửa hàng thuộc 12 quận nội thành, chiếm 27% số cửa hàng trên toàn thành phố (trong đó 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa có 27 cửa hàng). Số lượng cửa hàng xăng dầu hiện nay đang đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thành phố Hà Nội.

Mặc dù vậy, thực tế số lượng cửa hàng xăng dầu tại các quận nội thành Hà Nội liên tục giảm, dẫn tới tình trạng số lượng người tiêu dùng phải xếp hàng đông đúc mua xăng dầu, nhất là giờ cao điểm, gây nhiều bức xúc cho khách hàng, thậm chí xảy ra sự ách tắc cục bộ, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông tại nhiều địa điểm.

Cần giải pháp tháo gỡ

Trước thực trạng các cây xăng “thưa dần”, cộng thêm nhiều bất cập vì một số đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định; tuy nhiên trong quá trình hoạt động phát sinh vi phạm hoặc có những bất cập về giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, môi trường… Sở Công thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các ngành chức năng liên quan như: Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quản lý thị trường, Đo lường chất lượng, Thuế… thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác trong quá trình hoạt động của cửa hàng xăng dầu. Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Sở Công thương thực hiện xử lý nghiêm theo đúng quy định và thẩm quyền. Đối với những trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Công thương tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết.

Còn nhớ, cuối năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Đại diện cơ quan chuyên môn đã báo cáo việc thu hẹp số lượng cây xăng có nguyên nhân từ việc mở rộng đường giao thông, dự án phát triển đô thị. Trong khi quỹ đất dành cho xây dựng các cây xăng mới chưa có, dân số thủ đô lại ngày càng tăng cao lên trên 8,4 triệu người, chưa kể nhu cầu tiêu dùng của khách vãng lai. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng một cửa hàng xăng dầu lại cần nhiều quy chuẩn, quy định về diện tích đất, khoảng cách, phòng cháy chữa cháy, môi trường... được quy định tại các văn bản như: Thông tư số 15/2020/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu; Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Việc đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu, kho xăng dầu phải phù hợp với các Quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất..., nhưng trong các bản quy hoạch lại không thể hiện có cây xăng dầu. Theo quy định, vị trí quy hoạch cây xăng dầu lại phải đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn như: Có khoảng cách nhất định đối với trường học, bệnh viện, công trình công cộng... dẫn tới khó tìm được các vị trí đất đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, cửa hàng xăng dầu lại là dự án không nằm trong danh mục được ưu tiên, nên khó thu hút được nhà đầu tư tham gia, phát triển mạng lưới.

Để tháo gỡ khó khăn trên, các đô thị lớn và đông dân như thành phố Hà Nội cần cho được áp dụng tiêu chí đặc thù về diện tích đất để xây dựng cây xăng, khoảng cách về an toàn giao thông, điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn xây dựng đối với cửa hàng xăng dầu trong đô thị. Nếu giải pháp này được tháo gỡ, mới hy vọng số lượng cửa hàng xăng dầu tăng lên, thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu. Điều này là phù hợp các quy định đang áp dụng tại nhiều quốc gia và phù hợp với điều kiện công nghệ phát triển hiện nay.

Từ Thức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/can-co-che-dac-thu-de-nguoi-dan-mua-xang-dau-thuan-tien-i372919/