Cần bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc, trong đó có việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp.

Sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị cấp xã

Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc sắp xếp các đơn vị hành chính, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, sau 3 năm đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, số lượng ĐVHC cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị.

Xây dựng nghị định mới, trong đó đề xuất một số quy định mới đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã tự nguyện tinh giản biên chế

Cùng với đó, ở cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã trong diện thực hiện sắp xếp là 1.141 đơn vị, chúng ta đã thực hiện sắp xếp 1.056 ĐVHC cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi thực hiện sắp xếp 1.056 ĐVHC cấp xã, số lượng ĐVHC cấp xã trong cả nước từ 11.160 đơn vị giảm xuống còn 10.599 đơn vị, giảm 561 đơn vị.

Ngoài ra, số lượng cơ quan, tổ chức giảm được bảo đảm tương ứng với số lượng ĐVHC đã giảm sau khi sắp xếp. Theo đó, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, trong 3 năm triển khai thực hiện, việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã là một nỗ lực rất lớn của các địa phương. Điều này thể hiện được quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, sự đồng lòng của nhân dân khi thực hiện yêu cầu nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách cho gần 3.400 cán bộ, công chức dôi dư

Theo Bộ Nội vụ, 3 năm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người, số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người, số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.403 người, số được bố trí theo đúng quy định là 10.709 người, số dôi dư là 9.705 người.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, các địa phương thực hiện các giải pháp như giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; vận động nghỉ theo diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi… theo quy định. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC.

Tuy vậy, số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp lớn. Tính đến hết tháng 4.2022, còn phải tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với 345/706 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và 3.048/9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Thực tế cho thấy, việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở một số địa phương còn bất cập, khó khăn và lúng túng trong thực hiện. Điều đáng nói, chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, trong khi nhiều tỉnh ngân sách còn khó khăn.

Đề cập đến những tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thực tế triển khai sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 bên cạnh các kết quả đạt được còn một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế đến nay chưa được giải quyết như: sắp xếp cán bộ dôi dư, trụ sở làm việc, cơ chế đặc thù dù các tỉnh đã rất cố gắng, quyết liệt. Cùng với đó, các quy định về thủ tục đấu giá, thẩm định giá để xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết được “nút thắt” về giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, mới đây, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ.

Theo Bộ Nội vụ, đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, ngoài hưởng một trong các chính sách quy định tại Điều 6, Điều 7, khoản 1 Điều 8, Điều 9 Nghị định này thì được hưởng thêm mức trợ cấp như sau: Nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.

Đối với cán bộ, công chức, nếu nghỉ từ 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1/2 mức trợ cấp quy định nêu trên.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, cần phải giải quyết một cách hài hòa, trong đó, cần sớm có chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tự nguyện tinh giản biên chế ngay, cũng như bảo đảm quyền lợi của những cán bộ thuộc đối tượng tinh giản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/can-bao-dam-che-do-chinh-sach-cho-can-bo-cong-chuc-doi-du-i326972/