Cái chết của Yukio Mishima

Yukio Mishima từng là nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản. Ông được biết đến không chỉ nhờ các tác phẩm văn chương độc đáo, mà còn qua cái chết gây chấn động.

Yukio Mishima là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, diễn viên, người mẫu, đạo diễn nổi tiếng tại Nhật Bản. Với văn phong uyển chuyển, tinh tế và đầy ám ảnh, ông được coi là một trong những nhà văn quan trọng của Nhật Bản thế kỷ XX.

Ông để lại gia tài văn chương gồm 34 cuốn tiểu thuyết, 50 vở kịch, 25 tuyển tập truyện ngắn, khoảng 35 bài luận, phê bình và một bộ phim.

Năm 1968, Yukio Mishima cũng là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Văn học. Sau đó, giải thưởng lại được trao cho một nhà văn đồng hương khác là Kawabata Yasunari.

Gắn cái đẹp với sự tàn bạo và hủy diệt, các tác phẩm của Yukio Mishima thường được xem là những bông hoa ác, gây ra nhiều tranh cãi.

Một vài cuốn sách của ông cũng đã được xuất bản tại Việt Nam, trước đó có Ngôi đền vàng, Tiếng sóng; gần đây có tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè và tiểu thuyết Khao khát yêu đương.

Nhà văn Yukio Mishima tại Toyko năm 1970. Ảnh: Elliott Erwitt.

Lòng yêu nước ngây thơ hay tinh thần võ sĩ đạo?

25/11/1970 là ngày chấn động trong lịch sử văn học Nhật Bản. Đó là ngày Yukio Mishima tự sát ở ngay trước cửa Cục phòng vệ Nhật Bản tại thủ đô Tokyo.

Mishima vốn là người tôn sùng nền quân chủ phong kiến. Vậy nên ông bất mãn sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Quốc gia không được sở hữu quân đội, người Mỹ xuất hiện nhan nhản trên khắp nước Nhật, lấy cớ để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của mầm mống phát xít.

Yukio Mishima không thể chịu đựng được việc ấy nên đã đến trước Cục Phòng vệ Nhật Bản diễn thuyết, kêu gọi người dân đứng lên. Sau đó, ông tự sát.

Nhiều người dân Nhật Bản hiện đại coi cái chết của Yukio Mishima là kết quả của lòng yêu nước ngây thơ. Nhiều người khác lại cho đó là tinh thần võ sĩ đạo truyền thống của quốc gia này.

Dù là hiểu theo cách nào, cái chết của Mishima đã ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ nhà văn Nhật Bản nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè của Yukio Mishima được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Tao Đàn.

Con người quá khứ xuất hiện trong văn chương hiện đại

Sinh thời, Yukio Mishima luôn gắn bó với lối suy nghĩ "sự hủy hoại một vẻ đẹp đang ở giữa đỉnh cao là cách duy nhất để giữ cho nó tồn tại vĩnh viễn".

Yukio Mishima đặc biệt ấn tượng với những cái chết trẻ của người nổi tiếng như diễn viên James Dean hay tiểu thuyết gia Raymond Radiguet. Ở thời điểm tự sát, Yukio Mishima 45 tuổi, vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong bộ sách 4 tập Sea of Fertility.

Để mổ xẻ về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của ông, hàng loạt cuốn tiểu sử, phim tài liệu ra đời. Có thể kể đến như Reflections on the Death Of Mishima (1972) của Henry Miler, The Life and Death of Yukio Mishima (1974), Henry Scott-Stokes hay Mishima's Sword (2006) của Christopher Ross.

Cái chết của Yukio Mishima cũng được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn chương hiện đại trở về sau. Trong cuốn sách Cuộc săn cừu hoang của Haruki Murakami, chàng thanh niên nói rằng vẫn nhớ rõ buổi chiều kỳ lạ ngày 25/11. Hình ảnh của nhà văn Nhật Bản ấy chỉ xuất hiện thoáng qua trên màn hình tivi trong phòng, nhưng chính là báo hiệu của cái chết ở tuổi 26 của cô gái trẻ.

Chi tiết này được nhắc lại một lần nữa trong cuốn sách Wabi sabi - Bất toàn, hữu hạn và dở dang của nhà văn người Tây Ban Nha Francesc Miralles.

Nhân vật chính Samuel không chỉ đặt tên con mèo của mình là Mishima theo tên của nhà văn. Anh còn bị ấn tượng bởi cuốn sách Cuộc săn cừu hoang với chi tiết mở đầu kể về nước Nhật năm 1970.

Cuốn sách Cửa hiệu tự sát của Jean Teulé, với câu chuyện về một cửa hàng cung cấp mọi cách thức để khách hàng có thể tự sát một cách dễ dàng, cũng lấy ý tưởng từ cách mà Yukio Mishima kết liễu đời mình.

Ông chủ cửa hàng lấy tên mình là Mishima và luôn yêu thích kiểu tự sát seppuku của Yukio Mishima. "Chúng ta chỉ chết một lần trong đời, vậy tại sao không làm một lần thật oanh liệt"?

Đã 50 năm kể từ khi Yukio Mishima tự sát. Cái chết của ông là dấu chấm hết cho một sự nghiệp văn chương đang ở giai đoạn chín muồi. Con người Mishima giờ đây chỉ là quá khứ, nhưng văn chương của ông là hiện tại, tương lai để người đọc soi chiếu và suy ngẫm.

Thiên Ái

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-yukio-mishima-post1124355.html