Cách nào để lao động tự do có lương hưu?

Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được một số câu hỏi của bạn đọc thắc mắc về các chế độ lương hưu đối với người lao động (nlđ) tự do khi tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, các bạn đọc cũng mong muốn sắp tới những chính sách về lương hưu sẽ được điều chỉnh để đảm bảo được đời sống của NLĐ sau khi hết tuổi lao động.

Lương hưu phải đủ sống

Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết chị buôn bán nhỏ ngoài chợ, thu nhập một ngày được khoảng 300.000 đồng. Nếu trừ chi phí và tiền sinh hoạt gia đình, tiền thuê trọ thì chị có thể để dành khoảng 100.000 đồng/ngày. Với số tiền này, chị để dành dần và gửi tiết kiệm. Thế nhưng, tiền lãi hằng tháng cũng không được bao nhiêu, sau này về già rút tiền ra thì lại sợ đồng tiền mất giá. Chị cũng có ý định tham gia BHXH tự nguyện để khi về già, có một khoản tiền hằng tháng bớt gánh nặng cho con cháu. Nhưng chị thắc mắc ai được tham gia BHXH tự nguyện và khi đến tuổi được hưởng lương hưu thì số tiền mà chị nhận liệu có đủ sống hay không.

“Nếu có tham gia BHXH tự nguyện, tôi chỉ mong muốn mức lương hưu sau này mình nhận sẽ được điều chỉnh theo thời giá để người già đủ sống” - chị Dung ý kiến.

Người dân được tư vấn những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân được tư vấn những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Trần Văn Dũng (chạy xe ôm công nghệ, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết ông tham gia BHXH tự nguyện được gần ba năm nay. Về chế độ khi tham gia BHXH tự nguyện, ông cũng đã biết phần nào. Tuy nhiên, đến giờ ông vẫn còn băn khoăn, bởi trước tình trạng vật giá leo thang thì liệu lương hưu sau này nhận có đủ sống.

Cũng theo chị Phan Thanh Hà, (ngụ phường 7, quận Gò Vấp), 20 năm làm việc, NLĐ trích ra một phần thu nhập để đóng BHXH như là của để dành, để khi không còn làm việc vẫn có khoản lương hưu đảm bảo nhu cầu sống cơ bản cho bản thân và được chăm sóc y tế. Đây là điều ai cũng mong muốn.

Tuy nhiên, dù đóng đủ 20 năm nhưng cũng phải chờ đến khi hết tuổi lao động thì mới hưởng lương hưu. Trong khi đó, hiện tại tuổi nghỉ hưu mỗi năm sẽ tăng vài tháng và đây cũng là lý do mà người dân e ngại tham gia BHXH vì chờ nhận lương hưu quá lâu.

“Tôi mong rằng chính sách về lương hưu sẽ được điều chỉnh về cách tính tuổi nghỉ hưu để người dân tham gia BHXH được thuận tiện hơn” - chị Hà nói.

Người không tham gia BHXH về già sẽ khó khăn hơn

Liên quan đến các băn khoăn nêu trên của NLĐ, đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết đối với NLĐ tự do, không phải ai cũng có kinh tế ổn định, họ đối mặt với nhiều bất trắc, rủi ro xung quanh.

Vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, càng thấy rõ sự cần thiết của BHXH. Khi không còn sức lao động nữa, bệnh tật phát sinh nên NLĐ tự do không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế, lúc đó chi phí cho việc khám chữa bệnh vô cùng khó khăn.

Về thắc mắc ai được tham gia BHXH tự nguyện và cách tham gia như thế nào, BHXH TP.HCM thông tin công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu về sau.

Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do NLĐ tự do lựa chọn. Tuy nhiên, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (29,8 triệu đồng).

Về cách đóng, NLĐ có thể chọn một trong sáu phương thức sau: Đóng hằng tháng; đóng ba tháng một lần; đóng sáu tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá năm năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.

Người tham gia có thể mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).•

Lương hưu luôn được điều chỉnh để đảm bảo cuộc sống

Về nguyên tắc, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH, tức mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Trên thực tế, quy định của chính sách BHXH đã tính đến yếu tố lạm phát hay trượt giá đối với tiền lương đóng BHXH của NLĐ nên hằng năm Nhà nước đều điều chỉnh lương hưu nhằm mục đích đảm bảo thu nhập của lương hưu cơ bản đáp ứng nhu cầu của cuộc sống…

Khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu của NLĐ đều được điều chỉnh.

Cụ thể, đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1-1-2016.

Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 trở đi và NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. BHXH TP.HCM

VÕ HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-nao-de-lao-dong-tu-do-co-luong-huu-post691343.html