Đại biểu Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải pháp 'hồi sinh' Bắc Hưng Hải

Trong phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải pháp 'hồi sinh' hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang 'chết' vì ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương cung cấp)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương cung cấp)

Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7.

Thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết giải pháp, kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc "hồi sinh" các dòng sông "chết" do ô nhiễm trầm trọng, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu đang ô nhiễm nặng. Có dòng sông vừa ô nhiễm, vừa không có dòng chảy. Thời gian qua, các địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu vì các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực để xử lý (nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý).

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định các địa phương cần chung tay xử lý nước thải đồng bộ. Trong đó, giải pháp căn cơ là phải giữ dòng nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy.

Về việc quản lý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, quy định trách nhiệm của các tỉnh, bộ, ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đăng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư công trong giai đoạn 2026 - 2030 để xử lý các dòng sông ô nhiễm.

Tranh luận thực trạng khai thác cát biển

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tranh luận trên nghị trường

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tranh luận trên nghị trường

Lo ngại tình trạng xói lở bờ biển, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dẫn tới khả năng xói lở bờ biển.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải bảo đảm được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, Bộ trưởng chưa trả lời về thực trạng.

Tranh luận thêm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng bổ sung thông tin liên quan đến tác động của hoạt động lấn biển, đặc biệt là làm rõ hoạt động khai thác cát biển có tác động thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Đặc biệt khi Luật Đất đai 2024 đã có quy định về vấn đề này, nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động đất biển.

Sau khi được đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn tranh luận về thực trạng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu. Hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học.
Về khai thác cát biển, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu ở Sóc Trăng và đánh giá tác động không ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dai-bieu-hai-duong-chat-van-bo-truong-tai-nguyen-va-moi-truong-giai-phap-hoi-sinh-bac-hung-hai-383577.html