Các nước đang phát triển đối mặt khủng hoảng nợ
Lãi suất cao, tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư cùng chi phí đi vay leo thang trong những năm gần đây đã khiến một số quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng nợ nần.
Hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ sẽ là ưu tiên thảo luận tại cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại thành phố Marrakech, Maroc vào tuần tới.
Tại châu Âu, Ukraine đã dừng việc thanh toán các khoản nợ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Đầu năm tới, nhiều khả năng nước này sẽ cố gắng gia hạn thỏa thuận kể trên hoặc tìm kiếm giải pháp thay thế. Các tổ chức hàng đầu thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine hậu xung đột là ít nhất 1.000 tỷ euro (1.050 tỷ USD), trong đó IMF nhận định Ukraine cần khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động. Thời gian qua, kinh tế nước này đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát chậm lại và tâm lý kinh doanh dần cải thiện.
Tại Trung Đông, Liban đã vỡ nợ lần đầu tiên vào năm 2020 và có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang hồi phục. Hồi tháng 9 vừa qua, IMF hoan nghênh những thay đổi của ngân hàng trung ương Liban, song cho rằng nước này cần cải cách sâu rộng trong bối cảnh triển vọng kinh tế “khó khăn và bất định.” IMF cảnh báo khó khăn tiếp diễn có thể đẩy nợ công Liban lên mức 547% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.
Trong khi đó, Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao kỷ lục đi kèm những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022. Tháng 6 vừa qua, IMF đã thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, theo sau là khoản 3 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, giới quan sát tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ lớn.
Tại Nam Á, Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5/2022. Nguyên nhân do đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch khiến chính phủ nước này cạn kiệt nguồn tiền để nhập khẩu thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Cuối tháng 6, Sri Lanka đã công bố kế hoạch xử lý nợ và đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều khả năng IMF sẽ trì hoãn gói cứu trợ 2,9 tỷ USD tiếp theo cho Sri Lanka trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thu ngân sách.
Còn tại Bắc Phi, các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2011 đã đẩy kinh tế Tunisia rơi vào khủng hoảng toàn diện. Các tổ chức xếp hạng tín dụng nhận định Tunisia có thể vỡ nợ trong bối cảnh lô trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng này. Việc Saudi Arabia hỗ trợ 500 triệu USD cùng nguồn thu từ du lịch đã thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, song người dân nước này tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men
Trong khi đó, Ai Cập cần trả khoản nợ gần 100 tỷ USD bằng đồng tiền mạnh (hard-currency) trong vòng 5 năm tới. Chính quyền Cairo hiện dành hơn 40% nguồn thu ngân sách để trả lãi trong bối cảnh nhu cầu năm tài chính 2023/2024 ở mức 24 tỷ USD. Đồng nội tệ nước này cũng mất hơn 50% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 2/2022. Ai Cập hiện được IMF hỗ trợ khoản vay trị giá 3 tỷ USD.
Còn tại Ethiopia, bất ổn chính trị và đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Đầu năm 2021, chính quyền Ethiopia đã đề xuất tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ bên ngoài Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tổ chức xếp hạng Moody’s đã nâng triển vọng của Ethiopia từ tiêu cực lên ổn định trước những kỳ vọng kinh tế nước này sẽ nhanh chóng cải thiện trong Khuôn khổ Chung.
Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12/2022 và trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách tái cơ cấu kinh tế theo Khuôn khổ Chung của G20. Nước này đã tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF tháng 5 vừa qua, đồng thời cho biết tiến trình tái cơ cấu 30 tỷ USD nợ nước ngoài cùng các khoản nợ trong nước diễn ra khá nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Ghana kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các trái chủ quốc tế vào cuối năm nay.
Nợ công tại Kenya đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022, khiến nước này có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ. Chính quyền Tổng thống William Ruto đã điều tiết chi tiêu và đề xuất nhiều đợt tăng thuế nhằm ổn định kinh tế đất nước. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát, khiến đồng nội tệ mất giá hơn 16% so với đồng USD. Quốc gia này đang đàm phán với Ngân hàng phát triển châu Phi và WB để được hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh sẽ phải hoàn trả lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD vào năm tới.
Zambia là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tháng 6 vừa qua, Zambia đã đạt được thỏa thuận gia hạn khoản nợ 6,3 tỷ USD với Trung Quốc và các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris. Dự kiến nước này sẽ hoàn tất bản ghi nhớ nợ vào cuối năm nay.