Các nhà buôn dầu tránh thuê tàu dài hạn vì e ngại thuế quan của ông Trump

Lo ngại về chính sách thuế và xung đột toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng bất ổn trên thị trường dầu mỏ.

Lo ngại về chính sách thuế và xung đột toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Hình minh họa

Lo ngại về chính sách thuế và xung đột toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng bất ổn trên thị trường dầu mỏ. Hình minh họa

Theo AFP, chính sách đối ngoại khó đoán của ông Donald Trump đang khiến các nhà buôn dầu e ngại khi ký hợp đồng thuê tàu dài hạn, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành. Điều này càng làm gia tăng sự bất ổn đối với các chủ tàu.

Các chủ tàu và một trong những nhà buôn hàng hóa lớn nhất thế giới cho biết, xung đột thương mại từ ông Trump cùng với việc can thiệp vào các cuộc xung đột quốc tế đã khiến các nhà giao dịch ngần ngại ký kết hợp đồng thuê tàu dài hạn. Các thỏa thuận này giúp cả chủ tàu và bên thuê có sự ổn định lâu dài – thường kéo dài nhiều năm – về chi phí vận chuyển và thu nhập từ hợp đồng thuê tàu.

Những động thái của ông Trump càng làm gia tăng sự bất ổn về chi phí và rủi ro trong bối cảnh thị trường vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề bao gồm những cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào tàu thuyền trên Biển Đỏ, khiến chi phí vận tải tăng cao, do tàu phải đi đường vòng, cũng như cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ.

Mikael Skov, CEO của Hafnia – một trong những công ty vận hành tàu chở dầu lớn nhất thế giới – cho biết rằng hầu như “ngày nào” cũng có những tuyên bố mới từ chính quyền Mỹ.

“Các nhà buôn dầu, các chủ tàu khác – ai cũng có chung quan điểm rằng bây giờ khó mà ký hợp đồng dài hạn hơn so với trước đây”, ông nói.

Sự bất ổn này cũng ảnh hưởng đến giá trị tàu cũ trên thị trường, ông Skov cho biết thêm. “Không nhiều người muốn mua tàu nếu họ không có cơ hội cho thuê lại trong vòng 3 đến 5 năm”, ông bổ sung.

Nhận xét của ông Skov được đưa ra sau khi công ty vận tải biển Đan Mạch, Norden – một trong những nhà khai thác tàu chở dầu và tàu hàng lớn – nhấn mạnh sự bất ổn của ngành bằng cách đưa ra dự báo lợi nhuận ròng năm 2025 có thể dao động từ 20 triệu USD đến 100 triệu USD.

Hãng tàu Canada Teekay cũng đề cập đến sự bất ổn đáng kể của thị trường khi công bố dự báo tài chính cho năm 2025 vào ngày 19/2.

“Rất khó để đoán trước các yếu tố này sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2025, tác động của chúng lên thị trường tàu chở dầu ra sao, hoặc liệu sẽ có thêm sự kiện địa chính trị nào khác xảy ra”, Teekay cho biết.

Andrea Olivi, Giám đốc toàn cầu mảng vận tải biển của Trafigura – một trong những nhà giao dịch dầu mỏ và hàng hóa lớn nhất thế giới có trụ sở tại Singapore – cho biết các doanh nghiệp hiện “cực kỳ thận trọng” khi ký hợp đồng vận chuyển dài hạn.

Ông Olivi cho rằng những bất ổn không chỉ liên quan đến thuế quan mà còn đến từ cuộc chiến ở Ukraine và tình hình ở Biển Đỏ đang diễn ra.

Lợi nhuận của các chủ tàu đã tăng trong năm qua khi hầu hết các tàu thương mại tránh Biển Đỏ, do các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi. Việc phải chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng đã khiến thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí tăng mạnh.

Tuy nhiên, khả năng các tàu quay lại Biển Đỏ đã tăng lên sau khi lực lượng Houthi tuyên bố sẽ giảm bớt các cuộc tấn công sau thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza hồi tháng trước.

“Nếu có diễn biến lớn nào ở đó, giá cước vận tải sẽ biến động mạnh”, ông Olivi nhận định về tình hình Biển Đỏ. “Chỉ trong vòng 3 đến 6 tháng tới, mọi thứ có thể sẽ thay đổi rất nhiều”, ông nói thêm.

Thuế nhập khẩu dầu có thể tác động mạnh đến thị trường tàu chở dầu

Teekay cho biết, việc Mỹ đe dọa áp thuế lên dầu thô nhập khẩu từ Canada và Mexico có thể thúc đẩy một số hoạt động giao dịch tàu chở dầu. Công ty này nhận định rằng thuế quan có thể khiến Mỹ gia tăng thương mại đường biển với các quốc gia khác, đồng thời đẩy dòng dầu từ Canada và Mexico sang thị trường châu Á.

Tuy nhiên, Teekay cũng cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu dầu của nước này, cũng như lượng dầu nhập khẩu.

Về tình hình xung đột ở Ukraine, các chủ tàu đang đặt câu hỏi liệu một thỏa thuận hòa bình có thể thay đổi dòng chảy thương mại dầu mỏ như thế nào. Xuất khẩu dầu của Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây kể từ khi xung đột Moscow – Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022.

Ông Skov đặt vấn đề: Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, điều gì sẽ xảy ra? "Liệu dòng chảy dầu mỏ có trở lại như trước hay không?", ông đặt câu hỏi.

Sự bất ổn trong địa chính trị và các tuyến thương mại cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cấp nhiên liệu cho tàu – còn gọi là dầu nhiên liệu hàng hải, theo Jan Dieleman, Giám đốc vận tải biển tại tập đoàn giao dịch hàng hóa Cargill.

Tuần trước, Cargill và Hafnia thông báo sẽ hợp tác trong lĩnh vực cung cấp dầu nhiên liệu cho tàu, nhằm mở rộng quy mô, nâng cao độ tin cậy cho khách hàng và đảm bảo ổn định giá năng lượng.

Dù thị trường có thể bị gián đoạn, Hafnia và nhiều chủ tàu lớn khác vẫn lạc quan về kỳ vọng dài hạn. Họ cho rằng với việc đội tàu toàn cầu ngày càng già cỗi, nhiều tàu sẽ bị loại bỏ, khiến nguồn cung bị hạn chế và đẩy giá vận chuyển tăng cao.

Tuy nhiên, Sean Miller, đồng Giám đốc mảng tàu chở dầu tại công ty môi giới tàu SSY (trụ sở London), nhận định rằng thị trường vẫn đang bị “bao vây bởi bất ổn địa chính trị”.

“Nếu muốn thị trường trở lại trạng thái bình thường, trước tiên phải giải quyết một loạt bế tắc chính trị hiện nay, sau đó phải đánh giá tác động của những thay đổi này”, ông Miller nói. “Cho đến khi đó, ngành vận tải biển vẫn sẽ luôn biến động khó lường”, ông kết luận.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-nha-buon-dau-tranh-thue-tau-dai-han-vi-e-ngai-thue-quan-cua-ong-trump-724481.html