Các mặt hàng kim loại giảm giá khi thị trường thận trọng chờ đợi thêm thông tin lãi suất từ FED
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, sắc đỏ gần như bao trùm bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc quay đầu giảm 1,08%, dừng chân tại mức 24,62 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp, chốt phiên tại mức 909,3 USD/ounce nhờ mức tăng khiêm tốn 0,06%.
Giá kim loại quý gặp áp lực khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều manh mối trái chiều về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) như hiện tại.
Chủ tịch FED Chicago Austan Goolsbee cho biết, ông dự báo có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trái lại, Thống đốc FED Lisa Cook lại cảnh báo, FED cần tiến hành cẩn thận khi quyết định thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy vậy, giá bạch kim vẫn tăng do lo ngại nguồn cung gián đoạn tại Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg, công ty điện lực Eskom thuộc nhà nước Nam Phi có kế hoạch triển khai giảm tải giai đoạn 2 là loại bỏ 2.000 megawatt ra khỏi lưới điện. Quy trình cắt điện vẫn đang được thực hiện và chưa có thông báo mới từ phía Eskom.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt ghi nhận mức giảm mạnh nhất nhóm khi để mất 3,95% về 103,32 USD/tấn, thấp nhất trong một tuần. Trong phiên sáng, giá đón nhận lực mua tích cực sau khi Fitch Ratings nâng dự báo giá quặng lên 105 USD/tấn vào năm nay, 90 USD/tấn vào năm 2025 và 85 USD/tấn vào năm 2026, lần lượt tăng từ mức 95 USD/tấn, 80 USD/tấn và 75 USD/tấn.
Tuy vậy, giá nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại do nhà đầu tư vẫn còn hoài nghi về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy khối lượng vận chuyển quặng sắt bằng đường biển vào Trung Quốc đã giảm 73,4% từ thứ Sáu tuần trước xuống còn 380.000 tấn vào thứ Hai.
Trong một diễn biến khác, giá đồng COMEX trải qua phiên giao dịch khá giằng co, kết phiên với mức giảm nhẹ 0,19% về 4 USD/pound. Một mặt, yếu tố tiêu thụ trầm lắng vẫn gây sức ép lên giá. Mặt khác, lực mua đồng được kích hoạt nhờ kỳ vọng Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5%.
Cụ thể, theo ước tính trung bình trong cuộc khảo sát của Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dự kiến sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong năm nay, cao hơn một lần so với cuộc khảo sát trước đó. Ngoài ra, PBOC có thể sẽ cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn và lãi suất cho vay cơ bản bắt đầu từ quý II.