Các cơ sở hạt nhân Iran đang bị tấn công một cách bí ẩn
Các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị tấn công trong nhiều tuần nhưng vẫn chưa rõ chuyện gì đang xảy ra ở những nơi này.
Khói đen bốc lên khi ngọn lửa nhấn chìm nhà máy hóa dầu Shahid Tondgooyan, tỉnh Khuzestan - Iran vào chiều ngày 12-7.
Vài giờ trước đó, cách nơi cháy này hơn 800 km, vụ nổ đã làm rung chuyển tầng hầm của một nhà kho cũ trong một tòa nhà ở phía Bắc thủ đô Tehran. Đây là nhà ở 2 tầng, chứa ít nhất 30 bình gas được sử dụng cho mục đích không rõ ràng.
Cả hai sự cố xảy ra chưa đầy 2 ngày sau một loạt vụ nổ và mất điện ở phía Tây của thủ đô Tehran vào đầu giờ ngày 10-7. Các bản thông tin địa phương chỉ ra rằng nhiều âm thanh giống như súng cối và tên lửa phòng không đã được nghe thấy.
Vụ nổ được cho là xảy ra tại một kho tên lửa của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Trong khi một số quan chức Iran phủ nhận hoàn toàn các vụ nổ và những người khác dẫn lời một cựu thị trưởng nói rằng đó là do bình xăng gây ra, các chuyên gia cho biết có một điều kỳ quái đang diễn ra trên khắp đất nước đang bị bao vây này.
Những cuộc tấn công gần đây nhất với nhiều vụ nổ bí ẩn khác tại các địa điểm nhạy cảm trong suốt 3 tuần qua và không ai biết chính xác điều gì đang xảy ra, ngoài hậu quả của nó gây xáo trộn và cản trở chương trình hạt nhân đang gây tranh cãi.
Tiến độ và thời hạn của các vụ nổ gần đây ở Iran là không bình thường. "Có bằng chứng về một chiến dịch phối hợp đang được tiến hành để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran" - ông Jason Brodsky, Giám đốc Chương trình của Mỹ chống lại hạt nhân Iran (Uani), nói với Fox News.
Ông nói tiếp: "Ngoài ra, Tehran bị phân tâm bởi dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế. Công chúng ngày càng không hài lòng với khả năng quản lý đất nước".
Vụ tấn công bí ẩn đầu tiên xảy ra vào ngày 26-6 tại một trung tâm sản xuất nhiên liệu lỏng nổi tiếng chế tạo tên lửa đạn đạo ở làng Khojir, gần khu quân sự phức hợp Parchin, phía Đông Nam thủ đô. Mặc dù bị các quan chức xem thường, các hình ảnh vệ tinh sau đó đã cho thấy thiệt hại lớn trên kho vũ khí, cùng với toàn bộ sườn đồi bị bôi đen trong vụ nổ.
Sau đó vào ngày 30-6, có 19 người chết sau vụ nổ tại một trung tâm y tế ở Tehran.
Hai ngày sau, vào ngày 2-7, nhà máy làm giàu uranium Natanz nổi tiếng - hoạt động từ năm 2018, là nơi chính của Iran để phát triển máy ly tâm cần thiết cho sản xuất uranium và các vũ khí hạt nhân khác đang được phát triển - đã nổ do bị tấn công, được Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) xác nhận.
Tehran thừa nhận rằng đó là một cuộc tấn công nghiêm trọng đã làm suy yếu "nhà kho công nghiệp" và các quan chức của AEOI thừa nhận với truyền thông Iran rằng cú đánh đã "khiến Iran phải xem lại chương trình hạt nhân sau nhiều tháng".
Sau đó, vào ngày 3-7, một đám cháy không rõ nguyên nhân đã bùng phát tại một nhà máy điện ở thành phố Shiraz phía Tây Nam, gây ra sự cố mất điện trong khu vực.
Ngày hôm sau, một vụ nổ lại xảy ra ở nhà máy điện ở TP Ahwaz. Trong khi cùng một lúc, cách đó khoảng 120 km, một sự rò rỉ khí clo đã được phát hiện tại một nhà máy hóa dầu Karoun trong TP Mahshahr.
"Mặc dù người ta không bao giờ có thể bỏ qua khả năng xảy ra tai nạn hoặc không đủ năng lực nhưng địa điểm của những vụ nổ này, cùng với số lượng ngày càng tăng của vụ nổ trong vài tuần qua, đã tạo nên một nghi vấn mạnh mẽ cho việc phá hoại từ nước ngoài này. Chúng ta đừng quên, tất cả chúng đều xảy ra trên hoặc gần cơ sở hạt nhân, tên lửa hoặc quân sự."- ông Behnam Ben Taleblu, một thành viên cao cấp tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ (FDD), nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một vòng xoáy của sự nghi ngờ tiếp tục kéo dài xung quanh một loạt các cuộc tấn công dường như hài hòa với nhau, vài nhiều người nghi ngờ Israel và Mỹ như đang thúc đẩy hành động.
Tuy nhiên, chương trình BBC tiếng Iran thông tin rằng chỉ sau nửa đêm ngày 30-6, một số nhà báo của họ đã nhận được email từ một nhóm tên là "Cheetah Homeland" - bao gồm các thành phần chống đối, ngầm chống đối - tuyên bố họ thực hiện các cuộc tấn công trước đó . Các cơ quan truyền thông cũng cho biết họ đã được thông báo về các giờ tấn công.
Một số nguồn tin tình báo nói với tờ Fox News rằng họ chưa bao giờ nghe về nội dung này trước thông tin của BBC và nghi ngờ đây là một mưu mẹo hoặc một mặt trận cho một hoạt động tinh vi hơn nhiều.
Mặc dù hầu hết tất cả các chuyên gia đều kết luận rằng các cuộc tấn công đã xảy ra là thực tế, một số người cho rằng chiến tranh mạng có thể đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt là ở vụ nổ tại Natanz đã bị nhắm đến bởi phần mềm độc hại Stuxnet khét tiếng được Israel và Mỹ sử dụng từ năm 2010, bằng cách thay đổi chu kỳ quay của máy ly tâm và khiến các nhà khoa học chịu thua.