Các bến, phương tiện thủy nội địa: Chấp hành khá tốt các quy định
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa vừa kết thúc đợt kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Kết quả đánh giá cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực hơn các năm trước.
Cơ bản đảm bảo yêu cầu hoạt động
Ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, vừa qua, đoàn liên ngành đã tổ chức kiểm tra 18/54 bến thủy nội địa và 93 phương tiện thủy về các nội dung: việc trang bị thiết bị cứu sinh trên phương tiện; niêm yết công khai giá vé vận chuyển tại các tuyến du lịch; công bố rộng rãi đường dây nóng an toàn giao thông đường thủy nội địa; các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện; kiểm soát tải trọng phương tiện thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; định biên thuyền viên, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy nội địa; điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch đối với phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch…
Qua kiểm tra, các bến đều cơ bản đảm bảo điều kiện về pháp lý cũng như tình trạng kỹ thuật hoạt động bình thường, đáp ứng đủ điều kiện về kết cấu bến, có giấy phép hoạt động. Đa số các phương tiện đã chấp hành tốt việc đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định, đảm bảo tình trạng an toàn phương tiện, trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Người làm việc trên phương tiện đã có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đúng quy định. Các tổ chức kinh doanh vận tải du lịch thủy nội địa trực tiếp quản lý, sử dụng phương tiện đúng quy định để phục vụ kinh doanh vận tải hành khách. Riêng đối với các phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa (tàu du lịch, ca nô), đa số các phương tiện đều trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trong suốt hành trình; đối với người điều khiển phương tiện vận tải khách du lịch và nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy nội địa đều đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Cần sớm khắc phục những hạn chế
Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ bến chưa thực hiện tốt việc theo dõi, ghi chép nhật ký phương tiện ra vào bến. Một số bến thủy chưa niêm yết nội quy hoạt động của bến, hoặc niêm yết nhưng đã bị mờ. Ngoài ra, một số phương tiện thủy nội địa đã hết hạn kiểm định và người điều khiển chưa đủ bằng cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ...
Ngoài ra, vẫn còn một số tồn tại, nhược điểm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa như: Một số bến thủy nội địa tại các khu dân cư trên đảo do Nhà nước đầu tư, phục vụ kết hợp cho cả phương tiện thủy sản và phương tiện thủy nội địa nên khó khăn cho quản lý phương tiện ra, vào bến; các địa phương chưa thành lập đơn vị chuyên theo dõi, quản lý giao thông đường thủy nội địa...
Ông Cao Tấn Lợi cho biết, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn. Các địa phương cần nắm sát các doanh nghiệp có phương tiện đang hoạt động trên địa bàn hoặc đi qua địa bàn để có phương án kịp thời chấn chỉnh đối với những đơn vị thực hiện không đúng quy định; đình chỉ hoạt động ngay đối với doanh nghiệp vận tải thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch trên đường thủy nội địa nói riêng và hoạt động giao thông đường thủy nội địa nói chung. Các địa phương cần thành lập ban quản lý các bến thủy nội địa phục vụ mục đích dân sinh hoặc giao UBND các xã, phường, thị trấn bố trí nhân lực trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của các bến phục vụ mục đích dân sinh; tăng cường quản lý địa bàn và chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng mở cảng, bến thủy trái phép hoặc đón, trả khách du lịch không đúng quy định…
THÀNH NAM