Cá đồng mùa lụt
Ở quê tôi, gia đình nào cũng có những bộ đồ nghề đánh bắt cá, chủ yếu là tự làm bằng tre nứa như: nơm, đó, lờ, ống lươn, rớ, đăng, cần câu, chà (chà di)… Ngay từ nhỏ, tôi đã được cha và chú dạy cách đan một số dụng cụ đánh bắt cá nước ngọt.
Tôi được truyền dạy từ cách chọn loại tre nứa đủ độ già, nếu đem ngâm trong bùn lâu ngày thì càng tốt và có độ bền dùng được nhiều năm, đến việc chẻ nan rồi đan lát sao cho đẹp mắt. Trong các vật dụng nói trên thì đan lờ là khó nhất. Người đan giỏi như cha tôi, vừa chẻ tre, vừa chuốt nan đan cả ngày mới xong 1 cái lờ cùng với 2 cái hom. Nhưng được cái là dụng cụ này để dành dùng được lâu năm. Hễ hết mùa mưa là cha tôi đem lờ gác lên chái sau nhà, năm sau tháo xuống dùng tiếp.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Đến mùa mưa lũ, công việc đồng áng của nhà nông dường như đình trệ. Ở nhà, phụ nữ chỉ lo việc cơm nước, đàn ông ngồi đan lát và mang áo tơi chạy đồng bắt cá về cải thiện bữa ăn, có dư thì đem bán.
Quê tôi là vùng bán sơn địa, nhiều sông suối, ao hồ. Vào mùa mưa lũ, cá về nhiều nên tranh thủ nước lụt vừa lấp xấp chân ruộng thì mọi người đội mưa đi thả câu, đặt chà, cất vó. Tôi thì siêng hơn với việc cắm câu và đặt chà. Mùa mưa nào, tôi cũng làm hàng chục cái chà di. Đan được cái nào liền đội áo tơi xuống đồng tìm nơi thuận lợi, thường thì nơi ruộng có bờ cao bờ thấp hoặc ở con mương có lỗ trổ nước chảy vào ruộng, đặt xuống, miệng quay về phía bờ cao rồi cắm cây nêm chặt ở thân để chà không bị nước cuốn trôi, đồng thời lấy cỏ ngụy trang xung quanh để cá bơi theo dòng nước chạy vào một cách tự nhiên. Khi cá đã lọt vào thì bị nước chảy mạnh đẩy vào sát đáy, nơi bó hẹp và mắc ở đấy không thể quay đầu trở ra được.
Những đêm mưa gió, thường từ 4 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, tôi mới đi thăm câu, dỡ chà di. Nếu chẳng may, ai đó đi thăm đồng trước mình thì chuyện mất cá cũng là điều... dễ hiểu.
Do vậy, lâu dần, tôi cũng rút được kinh nghiệm trong việc đi đánh cá mùa lũ. Trước khi định vị vùng đặt ngư cụ thì phải bỏ công đi khảo sát một vòng. Nếu thấy có dấu hiệu có người đã thả câu hay đặt các dụng cụ đánh bắt khác nơi đó rồi thì tốt nhất mình đừng chen chân vào.
Ở quê tôi, nếu mùa lụt đi cắm câu thường chỉ bắt được cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô. Thi thoảng có chình mun. Còn đặt chà di thì có đủ loại cá nước ngọt. Có năm lụt lớn, mọi người ở quê bắt được cá chép lớn bụng đầy trứng. Ngày nào trúng mánh được 5-10 kg, cả nhà ăn không hết, mẹ tôi lại mang xuống chợ để kiếm thêm vài đồng đong gạo. Khi ấy, tôi và các em được tặng mỗi đứa vài viên kẹo ú ngọt lịm. Nhưng chẳng may có mùa đi đánh bắt cá mà lũ về bất ngờ, nước ngập trắng đồng, cuồn cuộn chảy xiết thì đành bó tay, vứt cả ngư cụ cho... hà bá. Lúc đó, cả nhà chỉ có cơm dưa muối để qua ngày, chờ khi nước rút mới tính chuyện chạy đồng.
Ngày nay, xóm làng chẳng mấy ai để ý đến chuyện chạy đồng đánh cá, cũng không mấy nhà còn lưu giữ những ngư cụ quen thuộc. Và ruộng đồng ngày càng bị thu hẹp; con cá, con cua đồng cũng ngày càng khan hiếm.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ca-dong-mua-lut-post294408.html