C4IR TP.HCM đề xuất lập sàn giao dịch công nghệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc
Giám đốc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM đề xuất thiết lập một sàn giao dịch công nghệ giữa bốn quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc với tầm nhìn dần tiến tới một sàn giao dịch công nghệ quốc tế.
Chiều 14-4, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác gồm ba Tổng Lãnh sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc về phương hướng hợp tác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Lê Trường Duy, Giám đốc C4IR TP.HCM, đã giới thiệu sơ lược về C4IR và đề xuất một số định hướng hợp tác với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cụ thể, ông Lê Trường Duy đề xuất việc thiết lập một sàn giao dịch công nghệ giữa bốn quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, với tầm nhìn dần tiến tới một sàn giao dịch công nghệ quốc tế.
Theo ông, sàn giao dịch này sẽ là nơi học hỏi và cộng hưởng những công nghệ tiên tiến từ các nước tham gia. Từ đó, tạo ra công nghệ mới và hàng hóa công nghệ có giá trị cho tất cả các bên.
“Sàn giao dịch sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư, với sự tham gia của các doanh nghiệp từ bốn quốc gia và dưới sự điều phối thống nhất của các chính phủ”- ông Lê Trường Duy gợi mở.

Ông Lê Trường Duy đề xuất việc thiết lập một sàn giao dịch công nghệ giữa bốn quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ông Lê Trường Duy cũng kiến nghị TP.HCM cùng ba nước thiết lập cơ chế điều phối chuỗi cung ứng bền vững thông qua các công cụ công nghệ tiên tiến. Ông đánh giá việc này sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia.
Giám đốc C4IR TP.HCM cũng mong muốn thu hút ít nhất hai nhà đầu tư từ mỗi quốc gia đầu tư vào TP trong các lĩnh vực trọng điểm như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển (R&D).
Bởi theo ông Duy, những khoản đầu tư này sẽ góp phần nâng cao hạ tầng thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị tốt hơn và nhiều hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể hơn, ông Lê Trường Duy đề xuất ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và TP.HCM cùng xây dựng khung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chính thức. Trong đó tập trung vào việc đào tạo 1.000 kỹ sư chuyên sâu cho giai đoạn 2025 – 2026, hỗ trợ ít nhất 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM tiếp cận, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phổ quát và chuyên ngành.
Cuối cùng, đại diện C4IR đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ startups và trao đổi sinh viên ngành khoa học công nghệ giữa bốn quốc gia.
Ông cho rằng những chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sinh viên được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Susan Burns góp ý. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Góp ý cho TP.HCM, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM Susan Burns đề nghị TP cải thiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Theo bà, việc này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài vào TP.
Còn ông Shin Choong II, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, mong muốn hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại TP.HCM. Ông cũng đề nghị TP có các chính sách ưu đãi cụ thể hơn, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư vào nhà máy, trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đóng gói linh kiện, nhà máy sản xuất để tạo thành hệ sinh thái về vi mạch, bo mạch...