Bức tranh tương phản ở châu Đại Dương vì biến chủng Omicron

Biến chủng Omicron đẩy Australia vào làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng, trong khi nước láng giềng New Zealand đang trên đà trở lại cuộc sống bình thường mới.

Cuộc sống bình thường mới đang được duy trì ở New Zealand, một trong những quốc gia ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 hiệu quả nhất thế giới. Nhưng ở phía bên kia của biển Tasman, biến chủng Omicron đặt ra những tín hiệu đáng lo ngại cho nước láng giềng Australia.

Giáng sinh tồi tệ của Australia

Australia trải qua mùa Giáng sinh với làn sóng ca mắc Covid-19 tồi tệ. Nhiều tiểu bang phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người.

Biến chủng Omicron đã lây lan tới tất cả tiểu bang của Australia và đang bắt đầu chiếm ưu thế tại một số bang, theo South China Morning Post. Ở Queensland, 70% ca mắc Covid-19 mới là do biến chủng Omicron gây ra.

Hàng loạt tiểu bang của Australia ghi nhận số ca mắc Covid-19 mỗi ngày cao kỷ lục. Hôm 25/12, số ca mắc Covid-19 của New South Wales là 6.288, tăng thêm hơn 10% so với một ngày trước đó.

 Australia đã tái áp đặt nhiều biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: AFP.

Australia đã tái áp đặt nhiều biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: AFP.

Bang Victoria ghi nhận 2.108 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong khi số ca mắc Covid-19 ở Queensland và Tasmania lần lượt là 765 và 33.

Bộ Y tế Australia khuyến cáo người dân tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, hoặc mở cửa sổ khi ở trong nhà, hạn chế dùng chung đồ ăn.

Hàng chục chuyến bay nội địa hôm 24/12 từ sân bay Kingsford Smith, thành phố Sydney đã bị hủy sau khi nhiều nhân viên sân bay tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 và cần được cách ly.

Trong thông điệp Giáng sinh gửi tới người dân, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Covid-19 tiếp tục là mối đe dọa với Australia.

"Biến chủng Omicron là thách thức mới nhất chúng ta phải đối mặt. Chỉ khi sát cánh cùng nhau, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn này", ông Morrison cho biết.

Cuộc sống bình thường ở New Zealand

Dù vừa trải qua những tháng dịch bệnh tồi tệ nhất từ khi Covid-19 bùng phát, New Zealand vẫn là một trong những nước ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thành công nhất, theo Guardian.

Trong năm 2021, New Zealand phải phong tỏa đất nước trong hơn 100 ngày. Nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao kỷ lục là 222 vào giữa tháng 11. Số ca mắc Covid-19 diễn tiến nặng phải nhập viện cũng cao hơn so với năm 2020.

Từ chính sách Zero Covid-19 đầy tham vọng, chính phủ New Zealand phải chấp nhận đổi hướng sang chung sống cùng virus.

Nhưng vào lúc này, khi năm 2021 sắp kết thúc, New Zealand đã có tỷ lệ bao phủ vaccine lên đến 90% số người đủ điều kiện tiêm chủng.

Tỷ lệ tử vong trên dân số vì Covid-19 ở New Zealand thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Số ca mắc Covid-19 cũng đang liên tục giảm kể từ giữa tháng 11.

Trong khi nhiều quốc gia tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt do lo ngại sự lây lan của biến chủng Omicron, New Zealand lại có thể ăn mừng dịp Giáng sinh và năm mới tưng bừng.

Đến nay, New Zealand chưa ghi nhận ca lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. Nhờ đó, người dân có thể di chuyển dọc đất nước để đoàn tụ bên gia đình dịp nghỉ lễ.

Các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, cơ sở thể dục thể thao, hộp đêm được phép mở cửa hoạt động với những hạn chế tối thiểu, mà chủ yếu nhắm vào những người chưa tiêm vaccine.

"Tôi thực sự tự hào về các quyết sách của chính phủ trong năm qua, bởi nhờ đó mà New Zealand bảo vệ được người dân trước Covid-19", Chris Hipkins, Bộ trưởng Giáo dục hiện phụ trách công tác ứng phó Covid-19, cho biết.

 Cuộc sống bình thường mới đang diễn ra ở New Zealand. Ảnh: AFP.

Cuộc sống bình thường mới đang diễn ra ở New Zealand. Ảnh: AFP.

Cho đến tháng 8 vừa qua, cuộc sống ở New Zealand vẫn cơ bản ở trạng thái tương đối bình thường khi chỉ có số ít ca mắc Covid-19. Những đợt bùng phát lẻ tẻ nhanh chóng bị dập tắt.

Các trường học, công sở được hoạt động bình thường. Thậm chí, trong khi các quốc gia láng giềng vật lộn với Covid-19, New Zealand vẫn cho phép tổ chức một buổi hòa nhạc với 50.000 người tham dự.

Chỉ đến khi biến chủng Delta xâm nhập và tạo ra làn sóng dịch bệnh tồi tệ cuối mùa thu, New Zealand mới chấp nhận thay đổi cách tiếp cận chiến dịch ứng phó Covid-19, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

"Điều đáng mừng là chúng ta đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao so với cộng đồng quốc tế, đồng thời kiềm chế số ca mắc Covid-19 và ngăn ngừa nguy cơ bệnh viện quá tải", Jin Russell, bác sĩ nhi khoa trung tâm y tế Đại học Auckland, cho biết.

Theo ông Russell, một trong những thành công nổi bật của New Zealand là có thể để trẻ em học tập bình thường trong thời gian đại dịch, so với sự gián đoạn xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

Không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn

Câu chuyện thành công của New Zealand vẫn có những hạt sạn. Chương trình tiêm chủng sớm khởi động từ tháng 2 nhưng vẫn bị chỉ trích là chậm chạp và thiếu công bằng.

Hôm 21/12, Waitangi Tribunal - thành viên ủy ban điều tra bảo vệ quyền lợi của người Maori - kết luận chính phủ New Zealand đã không hoàn thành chức trách trong việc bảo vệ người Maori.

Theo đó, ủy ban cho rằng chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ưu tiên người từ 65 tuổi trở lên là thiếu công bằng bởi người Maori có độ tuổi trung bình thấp hơn so với người da trắng.

Ủy ban cũng kết luận việc thay đổi chiến lược chống dịch sang phân cấp mức độ rủi ro dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đã không cân nhắc đầy đủ tỷ lệ tiêm chủng thấp của người Maori, cũng như nhu cầu chăm sóc y tế của nhóm dân tộc này.

Cuộc điều tra của ủy ban Waitangi Tribunal được tiến hành sau đơn khiếu nại của các thành viên Hội đồng người Maori New Zealand hôm 19/11.

Sau khi lá đơn được gửi đi, tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cho người Maori đã nhanh chóng tăng lên, nhờ vào sự can thiệp của các tổ chức cộng đồng Maori tại các địa phương, cũng như chiến dịch tới từng nhà vận động người dân tiêm vaccine.

 New Zealand vẫn đang siết chặt nhập cảnh từ nước ngoài. Ảnh: AFP.

New Zealand vẫn đang siết chặt nhập cảnh từ nước ngoài. Ảnh: AFP.

Người New Zealand ở nước ngoài trải qua một giai đoạn khó khăn bởi không thể trở về nhà, sau khi chính phủ New Zealand đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 để ngăn chặn virus xâm nhập từ bên ngoài.

Những người muốn hồi hương phải đăng ký đặt chỗ với cơ quan quản lý cách ly (MIQ), danh sách đăng ký luôn trong tình trạng quá tải. Hàng nghìn người phản ánh những trở ngại trong quá trình hồi hương đã gây ra thiệt hại cả về tài chính, thể chất và tinh thần cho họ.

Tuần qua, chính phủ New Zealand thông báo tạm hoãn kế hoạch thi hành chính sách miễn cách ly với người trở về từ nước ngoài đến cuối tháng 2. Quyết định trên khiến những người mắc kẹt ở nước ngoài càng thêm bất mãn, theo Guardian.

"Trở về quê hương là quyền vĩnh cửu, không bị giới hạn của mỗi người. Có những cách thức khoa học, dựa trên đánh giá rủi ro để cho phép nhiều người nhập cảnh hơn mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh", nhóm hoạt động Grounded Kiwis cho biết.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, các nhà khoa học cảnh báo chính phủ New Zealand phải thận trọng với kế hoạch tái mở cửa biên giới.

"Chúng ta đã có khởi đầu suôn sẻ, hy vọng người dân sẽ hiểu vì sao New Zealand cần tiếp tục đi theo con đường hiện nay. Chúng ta cần chặn đứng sự lây lan của virus. Không ai có thể được an toàn cho đến khi tất cả được an toàn", Siouxsie Wiles, chuyên gia vi sinh vật tại Đại học Auckland, cho biết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-tuong-phan-o-chau-dai-duong-vi-bien-chung-omicron-post1285246.html