'Bóng cả' trên ngàn
Kết thúc chuyến hành trình ngược miền sơn cước tuần qua, món quà ý nghĩa mà chúng tôi mang về là những câu chuyện thú vị về làng, bản và tinh thần tận hiến, tiên phong đi đầu của các già làng, trưởng bản cho cộng đồng. Trong nhiều thập kỷ thực hiện vai trò 'cầu nối' giữa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bằng nhiệt huyết, trách nhiệm, tình cảm cao đẹp, họ đã miệt mài đóng góp, tạo khởi nguồn cho những đổi thay, chuyển biến tích cực ở vùng cao. Sinh ra từ núi, họ cũng như những cây 'cổ thụ' bám rễ sâu bền, vươn cao tỏa bóng, cộng sinh cho cuộc sống bình yên nơi non cao...
“Trọn việc bản, vẹn nghĩa đời”!
Hai giờ chiều, cái nắng quay quắt giữa Hè dường như làm người ta lười trò chuyện hơn và cũng chẳng màng để ý đến những chuyển động xung quanh. Già làng Đinh Xuân Đẳng (80 tuổi, khu Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn) vẫn giữ nét mặt đầy suy tư, chậm rãi bước về con đường làng mới đổ bê tông, cặm cụi đo đạc, nghiên cứu phương án dựng hàng rào kiên cố. Phẩy tay áo buông dài bám đầy bụi đường, quệt ngang trán lau đi những giọt mồ hôi chực chờ rơi xuống mắt, già Đẳng tỏ bày: “Tuyến đường này trước đây một bên giáp với nhà dân, bên còn lại rặng tre phủ kín. Thời điểm sửa chữa, nâng cấp đường, người dân đã phát quang cây cối để mở rộng hành lang giao thông. Thiếu rặng tre, một bên vệ đường làng thông thẳng ra bờ bãi sông Bứa, gây mất an toàn trong giao thông, đặc biệt là vào những ngày mưa bão hoặc khi trời chập choạng, tối. Thời điểm này, trẻ nhỏ trong làng cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Hè, nếu tuyến đường không được rào chắn cẩn thận, rất khó để quản lý chúng khi vui chơi gần khu vực sông chảy xiết. Tôi đang dự định họp bàn với các gia đình trong khu, góp kinh phí, công lao động dựng một hàng rào kiên cố chạy dọc theo tuyến đường để hoạt động giao thông, sinh hoạt trong khu vực được đảm bảo an toàn hơn”.
Đó là mối bận tâm “nho nhỏ” của già Đẳng những ngày gần đây. Và đây cũng chỉ là một trong số hàng trăm việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà già Đẳng bận bịu suốt nhiều năm qua tại khu Chiềng.
Già làng Đinh Xuân Đẳng là người dân tộc Mường. Là một trong những tấm gương người uy tín tiêu biểu ở huyện miền núi Tân Sơn, tuổi trẻ ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1975, mang theo vết tích chiến tranh hằn in trên đôi chân thương tật, ông phục viên trở về quê nhà tham gia công tác và được tín nhiệm, đảm nhận nhiều vị trí như: Đội trưởng đội sản xuất, Xã đội trưởng,... sau cùng là Bí thư Đảng ủy xã.
Sinh ra và lớn lên nơi non cao đại ngàn, bước chân của già Đẳng in dấu khắp các ngả rừng. Gắn cuộc đời mình với ngôi làng “Mường gốc”, cuộc sống cũng như tâm trí của già Đẳng phần nhiều dành để đóng góp cho sự vận động, đổi thay của làng Chiềng và cảm nhận tiếng lòng của đồng bào nơi đây. Già Đẳng kể rằng, ngày xưa, làng Chiềng khốn khó lắm. Đường vào làng rất nhỏ. Mùa mưa lầy lội, việc di chuyển ra khu vực trung tâm hay giao thương với bên ngoài gặp nhiều cách trở. Thiếu thốn đủ đường mà hủ tục, tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, mê tín dị đoan, tin thầy mo hơn thầy thuốc... lại được truyền tụng, tiếp nối qua nhiều thế hệ khiến cho đói nghèo cứ dai dẳng bám lấy cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Năm 2005, già Đẳng nghỉ hưu. Được chính quyền địa phương vận động, già Đẳng - với những kinh nghiệm ngoại giao, đối thoại, thuyết phục sẵn có cùng sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc của cộng đồng đã kiên trì, tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong đồng bào DTTS; tiên phong đi đầu trong thực hiện các chính sách, quy định, đã từng bước tạo sự khởi nguồn, chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng DTTS nơi đây.
Nhớ năm 2012, khi chính quyền xã thực hiện giải phóng mặt bằng tại khu Chiềng để xây dựng đường giao thông nông thôn từ Quốc lộ 32A vào khu và xây dựng cầu treo qua sông Bứa, già Đẳng - người đầu tiên trong xã đã đứng ra tổ chức họp khu tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong diện có dự án đường đi qua chủ động hiến đất mở đường vì lợi ích chung của mọi người trong khu. Ông cũng là người tiên phong, gương mẫu hiến hàng chục mét vuông đất thực hiện dự án làm đường tại khu Chiềng. Nhờ sự nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền bằng hành động cụ thể của già Đẳng, chủ trương được bà con nhất trí cao. Đường mới hoàn thiện đã mang lại diện mạo mới cho đời sống cư dân làng Chiềng, hoạt động giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế cũng thuận lợi hơn trước.
Từ sau cuộc vận động dự án con đường liên xã, già làng Đinh Xuân Đẳng với tư duy nhạy bén và cách làm thuyết phục, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và địa phương do ông tuyên truyền, vận động đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ người dân. Già Đẳng bộc bạch: “Mình làm được cái gì, thì phải làm hết trách nhiệm với dân, với làng. Ở vùng cao này, muốn người dân làm theo thì trước hết mình phải làm gương để dân thấy, dân tin. Tuyệt đối không thể nói suông và làm những việc không có lợi cho dân”. Sau 16 năm giữ vai trò “cầu nối” giữa chính quyền và người dân, già Đẳng đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc đổi thay diện mạo của khu Chiềng hôm nay. Những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, môi trường nông thôn xanh mát... đang hiện hữu trên bản làng người Mường. 33 năm liên tiếp, nhờ sự tuyên truyền sát sao của già làng Đinh Xuân Đẳng, khu Chiềng không có gia đình sinh con thứ 3; nhiều hộ dân nhờ nắm bắt các chính sách hỗ trợ kịp thời mà kinh tế gia đình vươn lên khá, có hộ giàu, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào cũng ngày càng được cải thiện hơn...“Việc gì khó... có già Đẳng” - đó là câu nói vui của người dân làng Chiềng nhưng cũng là lời thật tâm thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con dành cho vị già làng đáng quý!
Phát huy vai trò “cầu nối” niềm tin
Tân Sơn là huyện miền núi tập trung đông đảo đồng bào DTTS cư trú, chiếm trên 83% tổng dân số. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 168 người có uy tín là Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, cán bộ nghỉ hưu, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng... Họ là những người được cộng đồng tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và khả năng tập hợp Nhân dân tin tưởng và làm theo.
Những năm qua, từ chính sách ưu tiên của Trung ương và của tỉnh, diện mạo vùng đồng bào DTTS Tân Sơn có nhiều đổi thay, đời sống người dân từng bước cải thiện, văn hóa truyền thống được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, mặt bằng dân trí ngày càng nâng lên đáng kể. Từ mối quan hệ mật thiết với cộng đồng, các già làng, trưởng bản đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, thuyết phục và động viên người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các chương trình, mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi.
Tại các thôn bản vùng cao Tân Sơn, những người có uy tín từ lâu đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc hòa giải mâu thuẫn, tích cực vận động người dân bảo đảm an ninh - trật tự, tuyên truyền các chính sách đến với cộng đồng một cách hiệu quả. Nhiều già làng còn là nghệ nhân - người “giữ lửa” các làng nghề truyền thống, góp sức bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt với phong trào xây dựng nông thôn mới, người uy tín được biết đến là đội ngũ tiên phong trong các phong trào vận động hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Đồng chí Bùi Hồng Đào - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Sơn cho biết: “Nhằm tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, những năm qua, huyện Tân Sơn luôn chú trọng quan tâm, kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Năm 2023, huyện đã tổ chức động viên, thăm hỏi, tặng quà cho 164 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 100% người có uy tín trong đồng bào DTTS; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho trên 350 lượt người uy tín. Cũng trong năm qua, 16.000 đầu sách, báo đã được cấp phát đến tận tay người có uy tín; nhiều hoạt động biểu dương người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng đã được tổ chức góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho những người có uy tín đóng góp vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương... ”.
Như những “cây cao bóng cả” giữa đại ngàn, sự tận tâm, trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng hôm nay của các già làng, trưởng bản, người uy tín sẽ luôn là “điểm tựa”, “cầu nối” vững chắc, khởi nguồn cho sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao; thiết thực góp phần chung tay xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương vững mạnh, thực hiện tốt công tác dân tộc và tăng cường đại đoàn kết toàn dân.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bong-ca-tren-ngan-212507.htm