Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành y tế là vấn đề cấp bách
Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành y tế là vấn đề cấp bách, vì vậy ngành Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành y tế.
Chiều 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành y tế
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có căn cứ để triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế. Kết cấu giá dịch vụ y tế chưa có cấu phần chi phí công nghệ thông tin nên nguồn lực để dành cho việc này còn rất hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp để thực hiện tháo gỡ những khó khăn trên?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, các bệnh viện tự chủ hiện nay đang áp dụng thuê phần mềm quản lý bệnh viện. Tuy nhiên, Nghị định 73 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa có quy định về việc xác định thẩm quyền phê duyệt chủ trương, kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí từ nguồn thu giá dịch vụ khám bệnh y tế.
Đặc biệt, cách xác định giá trị phần mềm không có sẵn trên thị trường, đây là phần hay được kết luận sai phạm trong quá trình thực hiện đấu thầu mua sắm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc này?
Trả lời đại biểu Trần Khánh Thu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành y tế là vấn đề cấp bách, vì vậy ngành Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành y tế. Về hai nội dung đại biểu đề cập đến liên quan đến triển khai hồ sơ điện tử và đề án khám chữa bệnh từ xa, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế cũng đã có các quyết định liên quan đến việc phê duyệt đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch thúc đẩy phát triển sử dụng các nền tảng số y tế để chuyển đổi số đến năm 2025.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và đang áp dụng thí điểm triển khai thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa, bước đầu mang lại hiệu quả và tổ chức đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng ra đơn vị và cơ sở y tế khác.
Với việc triển khai hồ sơ điện tử, Bộ Y tế triển khai thí điểm, trong đó tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua cũng quy định nội dung liên quan đến thành phần về công nghệ thông tin nằm trong chi phí quản lý của các cơ sở khám chữa bệnh. Theo lộ trình, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong thời gian tới.
Bổ sung danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến này?
Về vấn đề bệnh nhân mua thuốc ngoài có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.
Mặt khác, theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay còn xấp xỉ 2.500 tỉ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thanh toán, quyết toán từ năm 2021 chưa được giải quyết. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị. Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng nêu rõ, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Ngoài ra, Bộ đề xuất nghiên cứu các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực, đồng thời, cần rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.