Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Đánh giá công chức theo KPI, xóa bỏ tư duy 'biên chế suốt đời'

Việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (Key Perfomance Indicator - KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ 5 (gồm các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Yên Bái)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu thảo luận tại tổ 5 (gồm các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Yên Bái)

Giữ nguyên ngạch công chức

Chiều 7/5, phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội về dự án Luật Cán bộ công chức sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, tới đây, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

Đáng chú ý, việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số hiệu quả công việc (Key Perfomance Indicator - KPI), thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm, tất cả đều được lượng hóa.

Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc.

"Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá sẽ trở nên rất đơn giản" - bà Phạm Thị Thanh Trà nói. Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc đổi mới phương thức đánh giá nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời".

Tiếp đó, sẽ có hai công cụ chính đánh giá là theo vị trí việc làm và áp dụng cơ chế hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học và các chức danh đặc thù khác. "Cơ chế hợp đồng cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước tiên tiến. Họ không duy trì biên chế cứng như ta mà linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý và đánh giá", bà nói.

Vị trí việc làm là trục xuyên suốt trong toàn bộ quy trình quản lý công chức - từ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, khen thưởng đến kỷ luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ khái niệm ngạch công chức.

"Nhiều ý kiến cho rằng khi đã thiết kế theo vị trí việc làm thì phải bỏ ngạch, nhưng trên thực tế, ngạch vẫn là công cụ kỹ thuật quan trọng để phân định thứ bậc trong nền công vụ. Nếu loại bỏ ngay sẽ rất khó cho việc tổ chức, vận hành", bà Trà lý giải.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mới là rất nặng

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là lúc đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia, xây dựng địa phương hiện đại, bộ máy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ.

Về các nội dung cụ thể của dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ trưởng nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, việc xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), thay cho mô hình 3 cấp hiện nay. "Mô hình này vừa mang tính phổ quát tại rất nhiều quốc gia tiên tiến, cũng mang tính đặc thù của hệ thống chính quyền địa phương ở Việt Nam", nữ Bộ trưởng cho hay.

Với mô hình đặc khu tập trung hướng đến 13 huyện đảo hiện nay, về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng cho biết trong Hiến pháp và dự luật cũng nêu các tiêu chí, điều kiện cụ thể để có đơn vị đặc biệt trong tương lai. Tuy nhiên, những đơn vị đặc biệt cũng nằm trong tổng thể chính quyền địa phương 2 cấp.

Thứ hai, cần phân định rành mạch thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển cho xã, phường mới và còn phân cấp thêm từ tỉnh xuống. Như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của xã, phường mới sẽ rất nặng. Cụ thể, qua rà soát 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, Bộ trưởng cho biết, có 90 nhiệm vụ của cấp này sẽ chuyển cho cấp xã mới. 9 nhiệm vụ còn lại được đưa lên cấp tỉnh.

Thứ ba, tập trung triệt để thực hiện việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Nữ Bộ trưởng cho biết, ngày 9/5, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị việc tổ chức phân quyền đáp ứng phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thứ tư, cần tháo gỡ những tồn tại khi chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp. Dự luật nêu 9 nội dung chuyển tiếp giải quyết toàn diện, bao trùm toàn bộ việc phát sinh khi vận hành chính quyền 2 cấp, thực hiện kết thúc cấp huyện từ 1/7.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự kiến, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đô thị, đơn vị hành chính cấp tỉnh theo loại 1, 2, 3 theo các điều kiện để phát triển. Song song với đó, cấp xã, phường, đặc khu cũng xem xét phân chia đô thị loại 1, 2, 3 để thuận lợi quản trị địa phương, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ khẳng định, 2 dự luật trên là căn cứ cơ bản, quan trọng để vận hành toàn bộ nền công vụ của đất nước và chính quyền địa phương các cấp. 2 dự án luật được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, biên chế.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-truong-bo-noi-vu-danh-gia-cong-chuc-theo-kpi-xoa-bo-tu-duy-bien-che-suot-doi-20250507181503383.htm