Bổ sung quy định cụ thể với việc xử lý vật chứng

Sáng nay (9/11), Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Nhà giáo và thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Qua tờ trình tại phiên họp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về sửa đổi Luật Việc làm, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của Dự thảo Luật, chỉ quy định trong luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành.

Đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ; Dự thảo Luật đã cụ thể hóa năm nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện Dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, các đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thí điểm, và trong Nghị quyết cần bổ sung thêm một số quy định cụ thể đối với việc xử lý liên quan đến tranh chấp phát sinh, đảm bảo mỗi tổ chức, cá nhân tham gia đều có quyền và nghĩa vụ rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề xuất: "Theo Dự thảo Nghị quyết thì thời gian thí điểm quy định là không quá ba năm. Tôi đề xuất có thể kéo dài không quá năm năm, bởi cần có đủ thời gian để nghị quyết kiểm chứng qua thực tiễn, sau đó có đánh giá toàn diện, chặt chẽ thì sẽ hợp lý hơn, nếu tốt thì chúng ta đưa vào luật".

"Hiện nay, một số quy định về xử lý vật chứng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, cần phải được nghiên cứu sửa đổi bổ sung. Nguyên nhân của các vi phạm này chưa kịp điều chỉnh là tất yếu khách quan. Tôi cho rằng cần thiết ban hành Nghị quyết quy định năm biện pháp và thẩm quyền trình tự thủ tục", Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm trong Dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với pháp luật hiện hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, không phát sinh tranh chấp, vụ án khác và bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bo-sung-quy-dinh-cu-the-voi-viec-xu-ly-vat-chung-279089.htm