Bộ Nội vụ: Số lượng, chất lượng cán bộ công chức bố trí chưa đồng đều ở cấp xã
Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được bố trí chưa đồng đều giữa các đơn vị hành chính cấp xã.
Tiếp nhận công chức phải đảm bảo các tiêu chuẩn
Bộ Nội vụ đã có thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có quyết định nghỉ việc, số người đã được nhận tiền chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025 của Chính phủ.
Cụ thể, tính đến ngày 15/7, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); số người đã được nhận tiền hoặc đã được trình phê duyệt để nhận tiền là 74.248 người.
Liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ việc sau sắp xếp, Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, một bộ phận cán bộ, công chức có thời gian công tác chưa đủ 15 năm không thuộc diện áp dụng Nghị định số 178/2025. Nếu áp dụng quy định về thôi việc, tinh giản biên chế thì chế độ, chính sách có sự chênh lệch nên còn có tâm tư.
Bên cạnh đó, có địa phương còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện chi trả cho đối tượng nghỉ hưu, nghỉ thôi việc đã có quyết định nghỉ trước ngày 30/6.
Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tiếp tục hoạt động đến ngày 30/5/2026 theo chỉ đạo của Trung ương.
Đề cập đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay, Nghị định 170/2025 đã quy định, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là một trong các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, việc này phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về vị trí việc làm, biên chế của chính quyền địa phương cấp xã.

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn.
Làm việc cả ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính
Theo đánh giá của Vụ Chính quyền địa phương, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt, từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai tại 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước.
Về tổ chức bộ máy, các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã; hoàn thành việc thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp xã.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hiếu
Theo Vụ Chính quyền địa phương, hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được bố trí đầy đủ cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý để trực tiếp điều hành hoạt động ngay sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
“Ngay sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đều khẩn trương đi vào hoạt động, không có độ trễ, không làm gián đoạn công việc”, Vụ Chính quyền địa phương nhìn nhận.
Cơ quan này cũng cho biết, tại một số đơn vị, do số lượng hồ sơ hành chính lớn, chính quyền các địa phương bố trí bộ phận trực và làm việc cả các ngày nghỉ cuối tuần, ngoài giờ hành chính; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện để hỗ trợ và kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vụ Chính quyền địa phương cũng cho rằng, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được bố trí chưa đồng đều giữa các đơn vị hành chính cấp xã.
Ngoài ra, một số nơi còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, địa chính, tài chính, pháp lý… Một số công chức, nhất là ở bộ phận một cửa của Trung tâm phục vụ hành chính công còn lúng túng trong tiếp cận quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025.