Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách mới với cán bộ, hướng tới nền công vụ thực tài
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, vị trí việc làm được dùng làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức... hướng tới nền công vụ thực tài.
Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình.
Lấy vị trí việc làm làm cơ sở tuyển dụng, quy hoạch cán bộ
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đã đề xuất chính sách đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Mục tiêu của chính sách này là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Trong đó, lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; tạo cơ chế cạnh tranh theo vị trí việc làm dựa trên kết quả công việc, hướng tới nền công vụ thực tài.
Ngoài ra, còn giúp đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số; bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Về nội dung cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện quy định về hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức; nội hàm cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức; quy định thẩm quyền, cách thức quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức tiến tới quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác cán bộ
Dự thảo nêu rõ cơ quan lập đề nghị đánh giá tác động ba giải pháp và đề xuất lựa chọn giải pháp 1.
Cụ thể, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm.
Quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật”.
Quy định cơ chế quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số. Việc lựa chọn giải pháp này là phương án tối ưu đáp ứng yêu cầu cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo Nghị quyết 18 gắn với nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, tại Nghị quyết 27 của Trung ương.
Đồng thời, thống nhất phương pháp xác định và cách thức quản lý theo vị trí việc làm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo đó, cơ quan lập đề nghị nghiên cứu, sửa đổi toàn diện các điều, khoản về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đánh giá tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành liên quan đến vị trí việc làm. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý cán bộ, công chức theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác cán bộ.
Thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở
Bộ Nội vụ cũng đề xuất chính sách thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở. Mục tiêu là nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Về giải pháp thực hiện, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã. Thống nhất một cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo đó, cơ quan lập đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xác định vị trí việc làm ở các cơ quan, tổ chức của xã, phường, thị trấn.
Xác định mỗi vị trí việc làm, mỗi chức vụ, chức danh cán bộ hoặc công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào danh mục vị trí việc làm (gắn với chức vụ, chức danh) của xã, phường, thị trấn và khối lượng công việc, phạm vi quản lý, mức độ phức tạp trên địa bàn...
Từ đó, xây dựng số lượng biên chế cần thiết để giới thiệu ứng cử, bầu cử hoặc để tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.
Đồng thời, bổ sung quy định tại điều khoản chuyển tiếp đối với cán bộ, công chức hiện nay đang làm việc ở xã, phường, thị trấn đã được tuyển dụng theo quy định nhưng còn thiếu tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn chưa đạt mức quy định.
Việc lựa chọn giải pháp này theo Bộ Nội vụ là phương án tối ưu, bảo đảm phù hợp chủ trương “liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung” tại các nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, giải quyết triệt để vướng mắc về giao biên chế và việc điều chuyển giữa các đơn vị hành chính cấp xã đối với cán bộ, công chức cấp xã; tạo nên một nền công vụ thống nhất trong nền hành chính quốc gia.